Tarot & Astro: Bảo Bình – The Hierophant

3.908

Mối Tương Quan Giữa Cung Bảo Bình và Lá Bài The Hierophant Trong Tarot

11. Aquarus

Hiếm có lá bài nào mà cái tên thể hiện rõ uy quyền và phạm vi ảnh hưởng của nó như lá bài này. Cho dù là cái tên Hierophant hiện đại, hay cái tên Pope cổ điển, thì uy lực của nó vẫn không sút giảm, khi hình mẫu đại diện cho nó là Đức Giáo Hoàng, hoặc ở cấp độ thấp hơn là Giám Mục.

Tarot & Astro: Bảo Bình - The Hierophant 1
Visconti-Sforza Tarot – Gringonneur Cards – Tarot de Marseille Claude Burdel – The Rider-Waite Tarot

Từ bộ bài cổ cho đến hiện đại, chúng ta đều thấy dấu ấn Chúa Ba Ngôi1đi cùng dấu tay làm phép ban phước lành từ người đàn ông quyền lực ngồi trên bậc cao, bên dưới luôn là hình ảnh các giáo dân hay linh mục đang phủ phục bên dưới. Đức Giáo Hoàng luôn có vị trí uy quyền bậc nhất từ thời Phục Hưng cho đến tận ngày nay, bất chấp cuộc Cải Cách Kháng Nghị vào thế kỷ XVI.2Phục trang quen thuộc nhất của ông là  Triều thiên Ba tầng (Papal Tiara) tượng trưng cho việc cai quản, Thánh hóa, chăm sóc các tín hữu; Gậy Mục tử (Crosier) tượng trưng cho quyền bính; Dây pallium được làm bằng lông cừu để nói lên Giáo hoàng là chủ chiên lành thay Chúa Kitô vác chiên trên vai.

Chữ pope trong tiếng Anh xuất phát từ chữ papa trong tiếng Latinh. Đây lại là từ có gốc tiếng Hy Lạp πάππας (páppas), vốn để gọi người cha trong gia đình một cách kính mến, sau được dùng để đề cập tới giám mục hoặc thượng phụ. Mặc cho Waite bài xích cái tên “Pope” và thay bằng tên “Hierophant”3thì họa sĩ Smith cũng đã vẽ một Đức Giáo Hoàng trên đầu đội vương miện ba ngôi, trên vai choàng dây pallium thêu cây thập giá và tay phải đang ban phước lành. Điều này cho thấy hình ảnh một nhân vật quyền lực chuyên chính nhờ vào sức mạnh tập thể không ai có thể thay thế được Đức Giáo Hoàng. Đây là hình mẫu đặc trưng nhất thể hiện được quyền lực của một nhân vật vĩ đại khi được tập thể tôn vinh là vững chãi như thế nào – và chính vì thế mà họa sĩ Smith cũng không biết phải liên tưởng đến hình mẫu nào khác khi vẽ lá bài này.

Cho đến ngày nay, chưa có một vị vua, chúa tể hay hoàng đế nào có được uy quyền và tín nhiệm của nhân loại nhiều như Giáo Hoàng. Giáo Hoàng luôn được cho là người kế vị Thánh Phêrô và là người đại diện Thiên Chúa ở trần gian; ông là người có quyền tối thượng đối với Giáo hội Công Giáo trên khắp thế giới, là người có vị thế nhất trên Trái Đất và cũng là người có tiếng nói uy lực nhất.

Khi chòm sao Bảo Bình được chủ tinh cấp 1 – Sao Thiên Vương cai quản, chúng ta bắt đầu tham gia vào cộng đồng, tập thể. Chúng ta cần biết sống như thế nào để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tập thể, để được tập thể tiếp nhận và thụ hưởng những thành quả chung của tập thể mang lại. Lúc này chúng ta chỉ quan tâm đến việc cá nhân mỗi người nên sống như thế nào để mỗi mắt xích là một cá thể độc lập toàn vẹn tập hợp lại cùng thiết lập nên một mạng lưới hoàn thiện.

Khi chòm sao Bảo Bình được chủ tinh cấp 2 – Sao Mộc cai quản, chúng ta quan tâm đến việc “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Lúc này, ta bắt đầu quan tâm đến việc đóng góp công sức vào sự tiến bộ chung của nhân loại, cùng lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi người một cách tích cực, và thậm chí là biết cách gây ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng. Khi chúng ta đã tận lực cống hiến vì nhân loại, thì chính bản thân ta cũng được nhận lại những lợi ích to lớn mà số đông ủng hộ mang đến cho ta.

Từ đó, Bảo Bình được chủ tinh cấp 3 – Mặt Trăng cai quản, nhiệm vụ của ta là gắn kết mọi người lại với nhau khi họ có cùng mối quan tâm chung, cùng một cảm xúc. Sức mạnh của tập thể khi có cùng niềm tin, chung nhịp đập trái tim, cùng cảm xúc trào dâng thật sự không điều gì có thể diễn tả thành lời. Khi ấy, bất kì trở ngại nào đều sẽ bị làn sóng cộng đồng phá tung, bất cứ mục tiêu nào cũng có thể vươn tới. Đó có thể là lòng yêu nước, cùng một nỗi lo khi đất nước lâm nguy; đó cũng có thể là lòng tin vào Chúa, cùng một niềm tin hướng đến tương lai tươi đẹp. Chúng ta có thể vì cùng chung một cảm xúc, mà cùng chung tay vun đắp, xây dựng cho những mục tiêu cao đẹp, vững bền. Và người nào, hay tổ chức nào có thể khơi dậy tinh thần tập thể ấy, đều được tôn vinh và được tập thể bảo vệ.

Quyền lực của Giáo hoàng và Tòa Thánh Vatican đã thâu tóm ảnh hưởng thế giới trên nhiều bình diện từ  lịch sử xa xưa của loài người cho đến kỷ nguyên hiện đại hôm nay nhờ vào vô số những đóng góp vĩ đại, cống hiến cho sự phát triển của nhân loại xuất phát từ Giáo hội Công giáo cũng như các thành viên của họ cho nhân loại mà con người ngày nay đang thụ hưởng.4Đó không phải là một chặng đường ngắn ngủi và giản đơn, đó là cả một quá trình miệt mài lao động sáng tạo vì mối bận tâm chung đến sự sống còn của nhân loại. Vì thế không lạ gì khi hình tượng Đức Giáo Hoàng sẽ bền vững theo lịch sử nhân loại, khi nào Công Giáo vẫn còn hoạt động dựa vào lợi ích của nhân loại, khi ấy thể chế của họ vẫn được 1/3 dân số thế giới là các giáo dân mộ đạo bảo vệ, gìn giữ và đóng góp cho sự phát triển. Dù sao chúng ta vẫn nên nhớ rằng, hình ảnh lá The Hierophant không chỉ có mỗi Giáo Hoàng, mà là một tổng thể hoàn chỉnh giữa mối quan hệ Giáo Hoàng – giáo dân cùng làm nên. Nếu không có giáo dân, thì Giáo Hoàng không tồn tại; ngược lại, nếu không có Giáo Hoàng, thì giáo dân sẽ không thể mang tinh thần nối kết thành một tập thể thống nhất. Đây là mối quan hệ cộng hưởng và có sự tương tác qua lại liên tục.

Để có thể hiểu ý nghĩa lá bài ở khía cạnh gần gũi hơn, chúng ta có thể thấy một thầy giáo chỉ có thể dạy học khi có nhiều học sinh đến lớp và chấp nhận bài giảng; một vị trưởng làng chỉ có thể đương nhiệm khi được dân làng ủng hộ cách thức quản lý của ông ấy; một nhà chính trị chỉ có thể nhận chức hợp pháp khi đại đa số lá phiếu bầu của người dân ủng hộ cho đường lối, chính sách tốt cho sự phát triển chung của đất nước… bất kì một vị trí nào trong tập thể muốn được bền vững luôn cần sức mạnh của cộng đồng, và vì thế mà quyền lợi luôn đi kèm với trách nhiệm cống hiến, nỗ lực hết mình vì sự sống còn của tập thể ấy đi liền với vị trí của ta.

Khi nhận được lá The Hierophant trong một trải bài, chúng ta cần ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, và ý thức được trách nhiệm của những nhân vật mang tầm ảnh hưởng đến cộng đồng. Những người có sự tín nhiệm của cộng đồng cần hiểu rõ trách nhiệm của bản thân trong việc tạo ra những ảnh hưởng tích cực, cống hiến vì lợi ích chung của nhân loại, xây dựng những hệ thống và liên kết tập thể hữu ích, đưa ra những chỉ dẫn phù hợp với đại đa số cá nhân trong tập thể. Nhiệm cụ của mỗi cá nhân trong tập thể là có trách nhiệm với bản thân và lợi ích chung, quan tâm đến lĩnh vực chính trị vì chúng gây nên ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thế giới; hoặc đơn giản chỉ là đặt trái tim vào những việc bé nhỏ nhưng có ích cho thế giới, đó là hạn chế tối đa rác thải công nghiệp, trồng cây gây rừng, phản đối những chính sách đường lối phát triển sai lệch của nhà nước, lên án những việc làm hủy hoại đến môi trường sống và hủy hoại tài nguyên thiên nhiên.

Mặt trái của lá bài, những kẻ có quyền lực trở nên lạm quyền, lợi dụng tập thể, hứa hẹn suông với cộng đồng và mưu cầu lợi ích riêng bất chấp thiệt hại của toàn thể. Chúng ta dễ trở nên dửng dưng với việc chung của tập thể, vì nghĩ rằng đã có nhà nước và Chính Phủ lo, vì ỷ lại rằng đã có Chúa cứu rỗi. Hãy nhớ rằng, cộng đồng tức là của chính mỗi người, và nó trở nên tốt đẹp hay xấu xa là chính bởi vì công sức của mỗi cá nhân bên trong tập thể ấy đóng góp.

Nếu chúng ta vấp phải cản trở, đó có thể là cản trở đến từ cộng đồng, xã hội, đến từ những suy nghĩ lạc hậu cổ hủ ăn sâu vào tâm trí của nền văn hóa lâu đời, hoặc đến từ những quan điểm kì thị dựa trên niềm tin mù quáng vào một quan điểm vùng miền riêng rẽ nào đó. Ví dụ như truyền thống cha truyền con nối ngăn cản thế hệ tiếp theo được tự do lựa chọn ngành nghề khác với truyền thống gia đình; hai bên gia đình có niềm tin tôn giáo khác nhau ngăn cấm con cái kết hôn; người da trắng kì thị người da màu;…

______________

  1. Thiên Chúa là duy nhất, hiện hữu trong ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh (Chúa Thánh Thần).
  2. Cải cách Kháng nghị (Protestant Reformation) hay Cải cách Tin Lành là cuộc cải cách tôn giáo khởi xướng bởi Martin Luthervà được tiếp nối bởi Jean Calvin, Huldrych Zwingli, Jacobus Arminiusvà những người khác tại châu Âu thế kỷ XVI. Với ý định ban đầu là nhằm cải cách Giáo hội Công giáo Rôma, phong trào thường được coi là bắt đầu với 95 luận đềcủa Martin Luther và kết thúc với Hòa ước Westphalia năm 1648. Khi ấy, nhiều người ở châu Âu bất bình về những điều họ cho là các giáo lý giả mạo và những lạm dụng phổ biến trong giáo hội, nhất là việc mua bán phép ân xá (indulgence). Một hiện tượng khác gây bất mãn không kém là việc buôn bán chức thánh, cũng như tình trạng thối nát trong giới tăng lữ. Đối với nhiều người, sự băng hoại này là cố tật của cả hệ thống, ngay cả ở vị trí các Giáo hoàng.
  3. Waite cho rằng nêu đích danh Pope sẽ làm cụ thể hóa vị trí quyền lực của nhân vật trong lá bài khiến tư tưởng chúng ta bị bó hẹp trong ý nghĩa mà quyền lực mang lại.
  4. Giáo hoàng luôn được xếp trong danh sách những người có quyền lực và ảnh hưởng nhất hành tinh do các tạp chí danh tiếng thế giới như TIMEForbes bình chọn. Giáo hoàng luôn nằm trong danh sách vì thỏa mãn đủ cả bốn tiêu chí căn bản của việc bình chọn, đó là, người có ảnh hưởng tới rất nhiều người; người kiểm soát một nguồn tài chính lớn; người có quyền lực lớn ở nhiều lĩnh vực khác nhau; và, người thực sự dùng quyền lực đó để thi hành chức vụ mình đảm nhiệm. Một trong những vị Giáo hoàng thời hiện đại, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, được TIME bình chọn là một trong bốn người có ảnh hưởng lớn nhất với nhân loại của thế kỷ 20 và cả những năm đầu thế kỷ 21.

_______________

Đọc đầy đủ luận giải Tarot và Chiêm Tinh tại đây.

SaveSave

SaveSave

Rate this post

(5★ | 1382 Đánh giá)
TÀI TRỢ

Bạn cũng có thể thích Thêm từ tác giả

Được đóng lại.