Đi Tìm Cội Nguồn và Giá Trị của “Phép Thuật”

5.164

 

Ngày nay, đa số chúng ta không tin vào phép thuật. Người ta nghĩ: phép thuật chỉ là một sản phẩm tưởng tượng trong phim ảnh, văn học, cổ tích và truyện tranh. Người ta nói: phép thuật chỉ là một sự mê tín phản khoa học, thiếu văn minh, cổ lỗ, lỗi thời. Hoặc nếu người ta tin rằng phép thuật tồn tại ở đâu đó quanh đây, họ lại cho rằng nó siêu nhiên, xa vời, và người bình thường như chúng ta không thể nắm bắt.

Đi tìm cội nguồn của phép thuật 1

Đa số nhân loại đang tin như vậy. Và bất chấp những niềm tin ấy, họ vẫn đưa chuyện phép thuật vào hàng tấn phim ảnh, sách vở, game và âm nhạc được sản xuất hằng năm. Câu chuyện về thần tiên, ma quỉ và phép thuật vẫn là bài học vỡ lòng cho trẻ em trong mọi nền văn hóa trên thế giới, như thể chính chúng, thay vì kính hiển vi, đồng dollar xanh và bom nguyên tử, mới là viên gạch móng của văn hóa con người. Nếu phép thuật chỉ là điều mê tín phản văn minh, thì nhân loại hình như đang hành động thật ngu ngốc.

May thay, phép thuật có tồn tại. Và may hơn nữa: nó vẫn đang hiện diện rộng khắp trong thế giới hiện đại của chúng ta. Nó vẫn ở đó, tràn ngập mọi ngóc ngách của cuộc sống, như bản chất của nó vốn là. Chỉ cần quan sát chăm chú hơn, bạn sẽ nhận ra và vui chơi với nó.

PHÉP THUẬT, PHÉP THUẬT EVERYWHERE!

Từ “magic” – phép thuật – xuất hiện trong tiếng Anh từ cuối thế kỉ 14. Bắt nguồn từ “magike” trong tiếng Hi Lạp cổ, nó ám chỉ nghệ thuật sử dụng những nguồn lực tiềm ẩn trong tự nhiên để tác động đến các sự kiện trong cuộc sống, hoặc để tạo nên các kì công. “Magike”, tới lượt nó, vốn bắt nguồn từ “maghus” – “khả năng nắm giữ quyền lực”, trong ngôn ngữ cổ ở Ba Tư. Thật thú vị khi gốc “magh-” trong từ “maghus” cũng là khởi nguồn của từ “machine” – máy móc.

Các từ gốc này cho chúng ta biết bản chất của phép thuật. Như các bạn thấy, phép thuật không hề phản khoa học, huyền bí, khó tiếp cận hoặc cao siêu. Theo định nghĩa phổ biến trong giới phù thủy hiện đại, thì phép thuật là một nỗ lực để trải nghiệm và thấu hiểu những qui luật tự nhiên trong vũ trụ, để tương tác một cách hiệu quả với vũ trụ theo những qui luật này. Hoặc nói một cách dễ hiểu hơn, thì phép thuật là việc quan sát, học hỏi những qui luật tự nhiên, rồi vận dụng những qui luật này để biến những cái có sẵn quanh ta thành một cái mới hay ho hơn mà ta thích.

Theo định nghĩa này, thì khoa học công nghệ không hề mâu thuẫn với phép thuật. Ta có thể nói rằng khoa học chỉ là một trong những hệ thống phương pháp để học và thực hành phép thuật, và nó là cái thịnh hành nhất ngày nay. Chuyện này nghe khó tin, nhưng thực ra rất hợp lẽ thường. Hãy tưởng tượng cụ tổ của bạn – một người sống cách đây 200 năm – được tặng một cặp smartphone mà ngày nay rất phổ biến. Nhờ “cái hộp thần” này, cụ có thể tỏ tình với cụ bà dù hai người cách xa vạn dặm. Trong hộp còn có một thư viện lưu giữ mọi kiến thức của nhân gian. Hộp còn chứa một dàn nhạc chơi được đủ mọi bài hát trên đời. Ngoài ra, “cái hộp thần” còn thay thế vai trò của sách vở, đèn dầu, lịch vạn niên, tiếng gà, hoặc anh họa sĩ… Tôn Ngộ Không cũng khó có thể “siêu nhiên” hơn vậy. Khoa học công nghệ hiện đại, trong mắt con người của thời kì trước, sẽ chẳng khác gì một phép thần thông.

Phép thuật được thực hành bởi những người nào? Từ “witch” – phù thủy – bắt nguồn từ gốc “weg-” trong ngôn ngữ tiền German, có nghĩa là “trở nên mạnh mẽ và đầy sức sống”. Vậy là “witch” có cùng gốc từ với hai từ hiện đại khác – là “wise” (thông thái) và “wake” (thức tỉnh). Ngày nay, chúng ta dùng hai từ này để mô tả mọi con người có hiểu biết thông tuệ về thế giới và khả năng thay đổi thế giới – từ những chính khách và nhà khoa học lỗi lạc, những tu sĩ và triết gia thông tuệ, đến những văn nghệ sĩ tài năng.

Vào thời cổ, giới tinh hoa của các dân tộc trên thế giới từng cùng lúc đảm nhiệm tất cả những công việc sáng tạo này. Dịch học – môn học vỡ lòng của nhiều thầy bói, đạo sĩ, pháp sư và… chính khách Trung Hoa – được coi là di sản trí tuệ của những vị vua đầu tiên như Phục Hy và Hạ Vũ. Merlin, phù thủy huyền thoại trong văn hóa phương Tây, được mô tả là thầy giáo, nhà tiên tri, nhà thông thái, và cố vấn của vua Athur trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Gia Cát Lượng, vị quân sư nổi tiếng nhất trong vùng Đông Á, vốn thông thạo cả chiêm tinh, bói toán, địa lý, ma thuật, binh pháp, công nghệ sản xuất ngựa gỗ, lẫn thơ ca. Nước mình cũng có nhiều vị nổi tiếng tương tự, như Tiết độ sứ Cao Biền giỏi pháp thuật và địa lý, thích gọi âm binh và đóng cọc trấn yểm xứ người. Hoặc Nguyễn Minh Không, vị thiền sư kiêm quốc sư kiêm pháp sư kiêm thầy thuốc. “Phù thủy chính trị” nổi tiếng nhất ở Việt Nam ngày nay, cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là một người rất thông thạo tử vi. Và không biết do ngẫu nhiên hay cố tình, mà trong cuộc nội chiến trước 1975, miền Bắc Việt Nam có lá cờ mang ngôi sao ngũ hành vàng trên nền đỏ – màu biểu tượng của hướng Nam, còn cờ miền Nam mang quẻ Càn trong bát quái.

Tương tự như ở phương Đông, phép thuật cũng để lại vô vàn dấu vết trong di sản văn hóa phương Tây hiện tại. Nhiều nhà khoa học, triết gia và chính khách lớn từng say mê nghiên cứu các huyền môn. Newton đã đến với khoa học trong khi nghiên cứu chiêm tinh học, và ông say mê thuật giả kim cho đến cuối đời. Trong hơn 1700 cuốn sách trong tủ sách của Newton, người ta thấy 27% số sách xoay quanh thần học, 10% viết về thuật giả kim, trong khi những lĩnh vực làm ông nổi tiếng – như toán học, vật lý và thiên văn – chỉ chiếm tổng cộng 12% tổng số sách. Học thuyết của Carl Jung được định hình bởi những nghiên cứu và trải nghiệm của ông trong lĩnh vực chiêm tinh và huyền học. Hội Tam Điểm – một hội huyền môn nổi tiếng – đã là điểm đến của nhiều danh nhân thế giới, bao gồm gia đình hoàng đế Napoleon I, nhiều nhân vật trọng yếu trong cách mạng Pháp, lẫn nhiều đời tổng thống Mỹ, như Washington, Thomas Jefferson, Grant, Abraham Lincoln, Franklin Roosevelt, Trumann, Lyndon B. Johnson… Nhiều danh nhân Việt Nam, như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Ái Quốc… cũng từng là thành viên của hội này. Trong số những vị vừa kể, có lẽ rất ít người mê tín dị đoan, phản khoa học, phản văn minh, thiếu hiểu biết.

Hãy nghe Nikola Tesla nói về cách thức mà các phát minh của ông ra đời:

“Não tôi chỉ là một kẻ tiếp nhận. Trong vũ trụ có một trung tâm, chúng ta lấy hiểu biết, sức mạnh và cảm hứng của mình từ đó. Tôi chưa hiểu rõ bí ẩn của trung tâm này, nhưng tôi biết rằng nó tồn tại”.

Câu nói của Tesla không chỉ mô tả hoạt động sáng chế, nó còn mô tả chính xác cách thực hiện phép thuật của các pháp sư. “Sáng tạo” là tên gọi giản dị nhất của hoạt động này. Mọi sự sáng tạo đều là phép màu, và mọi phép màu đều là sự sáng tạo. Trong thế giới của chúng ta, phép màu không hiếm. Toàn thể thế giới mà bạn đang sống vốn là một bể phép màu không ngừng chuyển động mà bạn được tạo hóa ban cho. Nếu có đủ sự kiên nhẫn và tình yêu để lắng nghe nó, bạn sẽ hiểu nó, hòa mình vào nó, thuận theo dòng chảy của nó, và thực hiện được những phép màu của riêng mình.

Đi tìm cội nguồn của phép thuật 2

BẢN CHẤT CỦA PHÉP THUẬT

Người thực hiện phép thuật giống như một hacker. Trước tiên, bạn phải dành thời gian để trang bị cho mình một vài kiến thức cần thiết. Kế đó, bạn cần chủ động quan sát nội tâm mình và môi trường xung quanh bằng một con mắt ngày càng ít bị che mờ bởi định kiến, nỗi sợ và dục vọng. Trong quá trình quan sát, trải nghiệm và cảm nhận thế giới, bạn sẽ dần thoát khỏi từng lớp nhà tù ảo tưởng đang giam hãm tâm hồn bạn, và dần cảm nhận được bản chất của những qui luật và nguồn lực tạo thành thế giới quanh ta. Xin lưu ý rằng quá trình “lột xác” này vừa là công việc chính, vừa là mục đích chính của hành trình tìm kiếm phép màu. Biết đâu sau nhiều năm theo đuổi giá trị của các phép màu lung linh, bạn sẽ đạt được một điều giá trị hơn, khi nhận ra mọi phép màu đều không tạo ra tí giá trị gì hết.

Quá trình quan sát và trải nghiệm sẽ giúp bạn dần nhận ra bản chất ảo ảnh của thế giới vật chất mà mọi người thường coi là “thế giới thực”. Khi đã nắm vững các qui luật và nguồn lực của những ảo ảnh mà bấy lâu nay vẫn vây bọc bạn, bạn sẽ biết cách vận dụng chúng để tạo ra những ảo ảnh mới hay ho hơn. Thực hành phép thuật khá giống công việc của một hacker: nghiên cứu thế giới ảo, giải mã nó, tìm lỗ hổng, rồi cài mã độc vào những phần mềm. Phù thủy chỉ vận dụng những lời nói dối cũ để tạo ra một lời nói dối mới dễ nghe hơn, họ không tạo ra một hiện thực mới. Phép thuật và ảo thuật là một. Tesla giỏi sáng tạo vì ông hiểu rằng sự sáng tạo không đến từ cái đầu của chúng ta.

Vậy những phép thuật mà mọi người cho là “huyền bí” sẽ vận hành như thế nào? Dưới đây, tôi xin mô tả qua về một số hình thức thực hành phép thuật đơn giản mà tôi có dịp tìm hiểu và trải nghiệm. Phần giải thích sẽ rất sơ lược để cho dễ hiểu, và do hiểu biết hạn hẹp của người viết. Nếu bạn muốn nghiêm túc tìm hiểu về phép thuật, hãy mạnh dạn lên Google, tự tìm tài liệu, tự thực hành theo cách bạn thích, và tự rút ra kết luận cho bản thân.

1) Bói bài

Trong giới trẻ Việt Nam, bài Tarot đang dần trở thành một công cụ phép thuật phổ biến. Trong cộng đồng sử dụng Tarot, có nhiều người khẳng định rằng bộ bài không phải là công cụ phép thuật, mà chỉ là dụng cụ dự đoán tương lai. Tôi thấy mọi thứ đều có thể được dùng làm công cụ phép thuật, nên xin phép không tranh luận về vấn đề này. Giờ xin nói qua về cách thức vận hành của bài Tarot.

Bộ bài Tarot là một hệ thống gồm 78 lá bài, trên đó có vẽ các biểu tượng. Tarot giống như một bảng gồm 78 chữ cái để mô tả vạn vật trong thế giới quanh ta. Trong một lần trải bài, vị trí của các lá bài khi đặt kề nhau sẽ hé lộ cho bạn chút ít thông tin về những chuyện đã, đang và sẽ xảy ra trên thế giới; giống như khi đọc một đoạn văn gồm những chữ cái đặt cạnh nhau, bạn sẽ được biết thêm một phần câu chuyện. Người vẽ Tarot dùng những biểu tượng trên lá bài để mã hóa thế giới, người đọc Tarot tìm hiểu thế giới bằng cách giải mã những lá bài được rút ra.

Vậy đâu là sợi dây liên kết giữa thế giới “thực” mà ta đang sống và thế giới trong lá bài? Vì sao những sự kiện trong thế giới “thực” lại khiến ta rút ra những lá bài tương ứng? Trước tiên, xin lưu ý một giả thuyết rằng cả thế giới trong lá bài lẫn thế giới mà chúng ta đang cảm nhận bằng các giác quan, thực ra, đều chỉ là một phần trong thế giới ảo ảnh của những biểu tượng. Các lá bài, những giấc mơ khi ngủ và cuộc sống vật chất khi thức đều được thể hiện bằng những biểu tượng mà chúng ta mà chúng ta có thể nhìn, sờ, nềm, nghe… Mỗi biểu tượng, ở cả hai thế giới, đều liên kết với những qui luật và nguồn lực vận hành ở những tầng thế giới “thực” hơn một chút – như tầng “ý tưởng” và “năng lượng”. Mối liên kết ấy, bạn phải dùng trực giác để nhận ra. Chẳng hạn, không phải tự nhiên mà trong mọi nền văn minh trên thế giới, trực giác của con người đều gắn màu đỏ với dục vọng, sức sống, chiến tranh, sao hỏa, hành động, sự linh hoạt, sự ấm nóng và ái tình. Những biểu tượng này, dù xuất hiện trong bộ bài Tarot, tiểu thuyết, phim ảnh hay thế giới giác quan, cũng chỉ là biểu hiện của một nhóm ý tưởng và năng lượng trong các tầng thế giới sâu hơn, mà chúng ta phải dùng trực giác để giải mã.

Giống như phần mềm máy tính được xây dựng trên nền tảng của thế giới giác quan, thế giới biểu tượng của các giác quan cũng được đặt nền móng trên những tầng thế giới nhỉnh hơn nó về độ “thực”. Cả các lá bài, những giấc mơ đêm lẫn đời sống vật chất đều chỉ như những gợn sóng nhỏ trên bề mặt đại dương. Vì vậy, nếu bạn ném một hòn đá vào đời sống vật chất, những gợn sóng năng lượng – ý tưởng từ nó sẽ lan sang giấc mơ đêm và các lá bài. Thông điệp được mã hóa trong giấc mơ đêm thường liên quan đến các vấn đề trong đời sống vật chất. Và lá bài được rút ra cũng vậy. Chính chùm năng lượng và ý tưởng đã quyết định chuyện xảy ra trong thế giới vật chất sẽ quyết định chuyện xảy ra trong lần trải bài và trong giấc mơ.

Cũng như mọi loại hình chiêm bốc khác, bài Tarot gặp phải một số vấn đề. Trước tiên, là trực giác của đa số những người bói bài thường không cao lắm. Thay vì liên tục rèn luyện trực giác của mình bằng việc đặt niềm tin vào nó, rồi sử dụng nó để giải mã những tín hiệu xuất hiện trong lần trải bài, trong cuộc sống thường nhật và trong các giấc mơ, họ học thuộc những dòng hướng dẫn trong sách giáo khoa, áp dụng chúng một cách máy móc khi trải bài và tự làm cho trực giác của mình thui chột. Kiến thức trong sách lá thứ thuộc về thế giới vật chất, nên nếu tự nhốt mình trong chúng, bạn sẽ không thể cảm nhận và tương tác với những tầng thế giới sâu hơn. Mê cung kiến thức là một lời gợi ý cho chuyến thám hiểm của bạn, chứ không phải là mảnh đất để bạn thám hiểm và tìm kiếm kho báu của mình. Đến khi cần, hãy mạnh dạn vứt sách đi, rồi trực tiếp lắng nghe và cảm nhận thế giới.

Vấn đề tiếp theo là độ tin cậy của kết quả. Khi tráo và rút bài, những lá bài được rút ra sẽ chịu ảnh hưởng từ năng lượng nhất thời của người đặt câu hỏi và thế giới thiên nhiên xung quanh – những thứ thực ra không ổn định lắm. Khi năng lượng của người đặt câu hỏi thay đổi (chẳng hạn như do phong thủy hoặc trăng sao), câu trả lời mà bộ bài đưa ra cũng sẽ thay đổi. Vì vậy, nếu phải trả lời về một khoảng thời gian xa hơn ba tháng tới, bộ bài của bạn rất có thể sẽ đoán sai.

Vậy Tarot được ứng dụng như một công cụ phép thuật theo hướng nào? Thực ra, phép thuật không hề được thực hiện trong việc rút bài và tiên đoán. Phép thuật chỉ xảy ra khi bạn dùng bài Tarot để khám phá thế giới nội tâm mình và môi trường xung quanh, rồi dựa trên những hiểu biết ấy để tạo ra thay đổi. Độc thoại để tự tìm hiểu và thay đổi bản thân là phép màu hay ho nhất mà bạn có thể trông đợi ở các kĩ thuật tiên tri.

(Có giả thuyết rằng nếu bạn ném một hòn đá vào thế giới biểu tượng trong bộ bài Tarot, những gợn sóng từ đó cũng sẽ lan sang thế giới biểu tượng trong cuộc sống thường nhật. Trong trường hợp này, những lá bài Tarot đóng vai trò tương tự một con búp bê Voodoo. Chuyện đó có thật, hay chỉ là lời đồn?

Bạn có thể tự trải nghiệm – nếu sẵn sàng trả giá.)

2) Chiêm tinh

Ngày nay, khoa học đã có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của các thiên thể trên trời đến thiên nhiên và cuộc sống của con người trên trái đất. Chẳng hạn, mặt trăng, thiên thể quyết định chu kì lên xuống của thủy triều, cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự trồi sụt trong bản năng và cảm xúc của cả con người lẫn các động vật trong thiên nhiên. Các nghiên cứu đã cho thấy trong đêm trăng tròn, con người bị chó cắn và bị sư tử tấn công nhiều hơn, uống rượu nhiều hơn, mất ngủ nhiều hơn, bạo loạn nhiều hơn, và gây án mạng nhiều hơn so với các ngày thường. Chắc các bạn chưa quên chuỗi biểu tình – bạo loạn ở Hà Tĩnh và Bình Dương đã diễn ra trong đêm trăng tròn tháng trước. Còn mặt trời, thì rất rõ ràng, đang chi phối toàn bộ cuộc sống của chúng ta qua các chu kì ngày/đêm, bốn mùa, hay qua gió, mưa và Vitamin D mà nó trao cho bạn… Đi xa hơn thế, chiêm tinh học khẳng định rằng sự phân bố của các thiên thể trên trời – quan sát được từ một địa điểm và thời gian cụ thể trên trái đất – sẽ có ảnh hưởng sâu sắc tới số phận của những sự kiện đang diễn ra, và những con người mà lúc đó được sinh ra. Lí do: cả mặt trời, mặt trăng lẫn các ngôi sao đều có tác động năng lượng lên bề mặt địa cầu. Một lá số chiêm tinh sẽ cho bạn biết sự tương tác năng lượng giữa các thiên thể này, và ảnh hưởng của nó đến cuộc sống xung quanh bạn. Chiêm tinh giúp bạn hiểu rõ hơn về các nguồn lực bí ẩn chi phối những tình huống đã, đang và sẽ diễn ra, hay tính cách và định mệnh của những con người xung quanh, để tìm được cách ứng phó hợp lí nhất. Nó cũng giúp bạn hiểu rằng mình ít tự do như thế nào kể từ khi lọt lòng mẹ. Nếu bạn tiếp cận chiêm tinh với một cái nhìn sáng suốt, những hiểu biết này sẽ ít nhiều giúp ích cho bạn trong cuộc hành trình tự giải phóng bản thân.

Thời xưa, thuật chiêm tinh phương Tây và Tử Vi ở vùng Đông Á là môn học quan trọng của tầng lớp cầm quyền. Hãy xem chiêm tinh có ảnh hưởng nhiều như thế nào tới quyết định của các nhân vật trong truyện Tam Quốc. Ngày nay, các chính khách vẫn rất nhiệt tình ứng dụng thuật chiêm tinh, dù họ không thích tâm sự về chuyện đó với bạn. Thiếu tướng Georgi Rogozin, Phó trưởng ban An ninh của Tổng thống Nga dưới thời Boris Eltsin, là một nhà chiêm tinh. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng chi 20 triệu USD để thành lập một nhóm cố vấn qui tụ các nhà chiêm tinh và ngoại cảm. Những phép thuật từ chiêm tinh học, khi được thực hiện bởi các “phù thủy chính trị” ở mọi thời đại và mọi nước, chắc chắn đã góp phần rất nhiều trong việc định hình lịch sử và bộ mặt thế giới mà chúng ta sống hôm nay.

Đi tìm cội nguồn của phép thuật 3

3) Thuật phù thủy phương Tây (witchcraft)

Trái với vẻ bề ngoài kì ảo mà điện ảnh tạo ra cho chúng, các phép thuật cơ bản của phù thủy phương Tây thực ra rất bình thường. Thật trớ trêu, khi chúng chia sẻ cùng một nguyên lí với việc cúng bái trước bàn thờ tổ tiên hoặc cầu nguyện trong nhà thờ Thiên Chúa giáo. Về căn bản, chúng là một nỗ lực để đạt được điều bạn mong muốn bằng cách… tin rằng điều đó sẽ được thực hiện, và vận dụng các nguồn lực phù hợp trong môi trường xung quanh (như các linh hồn, sự cộng hưởng với sóng tinh thần của người khác, hoặc năng lượng từ vạn vật trong thiên nhiên…) để hỗ trợ cho niềm tin của bản thân.

Vậy đâu là khác biệt giữa một phù thủy nhập môn và những người cầu nguyện khác?

Khác biệt quan trọng nhất nằm ở chỗ những phù thủy giỏi luôn là kẻ phá luật. Trong khi mọi người chỉ máy móc lặp lại những nghi thức truyền thống mà cha mẹ họ đã dạy, và không dám đặt câu hỏi hoặc thử nghiệm một cách khác, thì phù thủy là kẻ sẵn sàng gạt đi tất cả các lề luật, rồi liên tục tự khám phá, quan sát và thực nghiệm để tìm ra cách phù hợp nhất với bản thân. Một người cầu nguyện bình thường có thể không hiểu bản chất và lí do của các biểu tượng trong nghi lễ, không nhìn thấy linh hồn, không cảm nhận được sự hiện diện của Thượng Đế và thần linh, nhưng vẫn răm rắp làm theo những trình tự thờ phụng mà họ được dạy vì… sợ bị trừng phạt. Trong khi đó, phù thủy không chấp nhận truyền thống một cách thụ động: họ say mê khám phá và cảm nhận những bí mật ẩn chứa nơi bản thân mình và vạn vật xung quanh. Nhờ thế, họ rèn luyện cho mình một trực giác bén nhạy để trực tiếp cảm nhận thần linh, Thượng Đế, các dòng năng lượng, các linh hồn… Khi dần hiểu rõ dòng chảy của vạn vật và hiểu rõ bản thân, phù thủy sẽ biết cách nương theo dòng chảy này, và vận dụng nguồn lực của nó để đạt được điều mình muốn.

Dưới đây, tôi xin nói qua về bản chất của một số thứ thường xuất hiện trong nghi lễ phù thủy:

Thần linh: Có ba loại thần linh chính trong thuật phù thủy. Loại thứ nhất là các vị thần nguyên mẫu. Những vị thần này tượng trưng cho một nhóm năng lượng – ý tưởng tồn tại trong vạn vật. Chẳng hạn: thần Ares tượng trưng cho sức mạnh hành động để thỏa mãn dục vọng, bao gồm cả hành động xung đột và chiến tranh. Các vị thần quan trọng trong thần thoại Hy Lạp, các tổng lãnh thiên thần trong Do Thái giáo và các mẫu Tứ phủ trong đạo Mẫu Việt Nam đều thuộc nhóm thần nguyên mẫu này. Thực ra, mỗi vị thần nguyên mẫu có thể được xem như một khía cạnh của Thượng Đế.

Loại thứ hai là các vị thần tượng trưng cho linh khí của một vùng đất, núi, rừng, biển… Thần Sơn Tinh và một số thành hoàng ở Việt Nam, như thần Long Đỗ, là những ví dụ tiêu biểu cho loại thần thứ hai.

Loại thứ ba là vong linh của các anh hùng có nhiều công đức trong quá khứ, mà ví dụ tiêu biểu ở Việt Nam là Đức thánh Trần.

Phù thủy không lệ thuộc hoàn toàn vào năng lượng của bản thân, họ mượn năng lượng của những vị thần phù hợp, hoặc của môi trường xung quanh để thực hiện nguyện vọng trong nghi lễ. Tất nhiên, đa số các vị thần, nhất là loại thứ hai và thứ ba, hiếm khi biếu không phép màu cho bạn. Mọi phép thuật đều đòi hỏi bạn trả một cái giá tương đương.

Các công cụ phép thuật: Có nhiều công cụ phép thuật được sử dụng trong nghi thức của phù thủy phương Tây. Nhìn chung, chúng chỉ là đồ vật bình thường được đem dùng để thu, tích tụ, dẫn truyền, khuếch xạ hoặc gửi đi chùm năng lượng và ý tưởng cần thiết. Chẳng hạn, ngọn nến, cốc nước, dao găm và một số loại thạch anh thường được dùng làm làm vật hội tụ cho năng lượng lửa, nước, khí và đất (tứ tượng). Cây “gậy phép”, trong thực tế, chỉ là một khúc gỗ phù hợp để tập trung năng lượng và ý tưởng trước khi phóng nó vào môi trường, giống như nòng súng hướng viên đạn đi chính xác hơn. Con lắc thạch anh, thứ có thể tương tác với ý chí và năng lượng của cả người sống lẫn người chết, có thể được dùng để giao tiếp với vong hồn. Các vòng tròn và biểu tượng phép thuật, tùy từng hình dạng khác nhau, có thể được sử dụng để thu năng lượng từ môi trường, hoặc để bảo vệ phù thủy trong quá trình làm phép.

Động tác và thần chú: Cử chỉ và âm thanh là hai phương tiện rất hiệu quả để truyền tải năng lượng và ý tưởng. Không thể phủ nhận tác động của âm nhạc đối với năng lượng và tinh thần của chúng ta. Cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng áp đảo của những thứ thường gọi là “ngôn ngữ phi ngôn từ” – như cử chỉ, ánh mắt và giọng nói – trong việc giao tiếp hằng ngày. Các nhà diễn thuyết giỏi sử dụng phép thuật rất thường xuyên, dù họ có hay không ý thức được điều đó. Sau khi tham dự những buổi diễn thuyết của Hitler, nhiều nhân chứng kể lại rằng một khi ông đã cất lời, họ sẽ “như thể bị thôi miên bằng bùa phép ma thuật”. Họ không thể có những niềm tin và cảm xúc tương tự khi đọc lại bài phát biểu của ông trên báo, hoặc khi giao tiếp với ông trong một cuộc gặp cá nhân. Động tác và thần chú của phù thủy cũng tương tự: chúng là những cách thức để tập trung năng lượng thích hợp trong cơ thể, và phát nó, cùng với những lời nói truyền tải ý niệm mà nó phục vụ, ra môi trường. Để hình dung rõ hơn, bạn có thể tìm hiểu cơ chế vận hành của những ấn – chú trong Phật giáo Mật tông, và thử thực hành chúng trong khoảng nửa tiếng.

Thảo mộc: Nhiều loại thảo mộc chứa năng lượng đặc biệt. Phù thủy có thể dùng chúng để hỗ trợ hoặc cất trữ những phép thuật liên quan. Các loại ngải của người Mường ở Việt Nam là một ví dụ điển hình.

Cần lưu ý rằng phù thủy không bắt buộc phải làm theo những nghi lễ và đạo cụ rườm rà được liệt kê trong sách. Như đã nói ở phần trên, phù thủy thường là kẻ phá luật. Những nghi lễ ghi trong sách chỉ phù hợp với các đặc tính của cơ thể và tâm hồn người viết sách mà thôi. Chúng chỉ có giá trị gợi ý, để bạn tự thiết kế một cách thực hành riêng phù hợp với mình. Nếu sách bảo bạn đốt lửa, mà bạn lại thấy dùng nước hợp hơn, vậy thì hãy liệng sách qua một bên và đi lấy một cốc nước. Hãy để trực giác dẫn đường cho bạn. Bạn sẽ phải đối mặt với rủi ro và sự trả giá, nhưng sự tiến bộ cũng từ đó mà ra. Trong thực tế, bạn có thể thực hiện một phép thuật mà không sử dụng bất cứ trình tự nghi lễ, thần thánh, dụng cụ hoặc thần chú nào. Bạn chỉ cần nhắm mắt, ngồi xếp bằng, tĩnh tâm, cảm nhận các luồng năng lượng, lắng nghe bản thân, và cầu nguyện trước không-ai-hết. Phương thức này thậm chí còn giúp bạn tiến bộ nhanh hơn, vì nó hướng bạn tập trung tìm hiểu chính bản thân mình, thay vì bị phân tâm bởi mớ thủ tục, đạo cụ và lời nói rườm rà của thế giới vật dục. Nếu bạn yêu những dụng cụ, thần linh và lời nói của mình hơn thời khắc im lặng trong bóng tối, hãy tạm dừng thực hành thuật phù thủy, vì nó chỉ khiến bạn ngày một lệ thuộc và u mê.

Vậy thuật phù thủy thường được ứng dụng như thế nào? Ngày nay, khi search Google, bạn có thể tìm được bản hướng dẫn mini về khá nhiều nghi lễ “thực tiễn”. Chúng thường hướng đến những lợi ích “thiết thực” trong đời sống vật chất của chúng ta, như chữa bệnh, kiếm người yêu, hoặc “tạo ra” may mắn trong công việc. Trong thực tế, đây chỉ là những phép thuật sơ đẳng và không mấy hay ho. Chúng lấy vận may của bạn trong tương lai để phung phí trong hiện tại, chứ không tạo ra thêm tí may mắn nào. Nếu quá sa đà vào những nghi lễ phục vụ lòng tham, bạn sẽ sớm phải trả giá đắt.

Về lâu về dài, thuật phù thủy dạy bạn cách thuận theo dòng chảy tự nhiên để tiến lên trên con đường giác ngộ. Thuật phù thủy, dù là một con đường khác, cũng có cùng mục đích giải thoát với những cách tu tập phổ biến và “chính thống” hơn.

Từ nhiều năm nay, tín đồ của những tôn giáo có nhiều quyền lực đã không ngừng bài xích thuật phù thủy, và cho rằng nó là một “tà đạo” cần loại trừ. Theo tôi, thói phán xét này cũng chẳng là gì hơn ngoài một dạng chấp ngã. Nếu nói như Trang Tử, rằng Đạo có ở mọi nơi, kể cả trong cục phân, thì không lẽ nào thuật phù thủy lại không có Đạo. Ngón tay thì ai cũng có, và ngón tay nào cũng có thể chỉ trăng. Không nên thiêng liêng hóa cái ngón tay của mình. Xin nhớ rằng thuật phù thủy là hậu duệ của những tín ngưỡng đa thần từng ngự trị châu Âu suốt hàng nghìn năm trước thời Thiên Chúa giáo. Cũng xin nhớ rằng Thần đạo ở Nhật và đạo thờ Mẫu ở Việt Nam, về bản chất, cũng là một dạng thuật phù thủy. Thuật phù thủy, so với nhiều tôn giáo khác, không biết chừng lại gần gũi với người Việt Nam hơn.

Tôi tin rằng mọi tôn giáo và tín ngưỡng đều có thể tạo ra phép màu. Và trên mọi con đường tâm linh, những phép màu này, biết đâu, lại chính là chướng ngại vật khó vượt qua nhất.

VÌ SAO BẠN CHƯA BIẾT SỬ DỤNG PHÉP THUẬT?

Để sử dụng phép thuật, bạn phải cảm nhận và tương tác với những nguồn lực nằm ngoài thế giới vật chất của năm giác quan. Chúng ta không thể cảm nhận những nguồn lực ấy khi tự nhốt mình trong những lớp dục vọng và nỗi sợ quá dày. Tiếc thay, nền văn minh là một hệ thống những ảo tưởng rất phức tạp và tinh vi để dung hòa dục vọng của một lượng khổng lồ những con người đang chung sống. Hãy quan sát để nhận diện những nhà tù của nền văn minh, như truyền thống, hệ giá trị, quyền lực, vinh quang, chủ nghĩa tiêu dùng, lí tưởng chính trị… Hãy nhận diện những niềm tự hào, ham muốn và nỗi sợ đang giam hãm bản thân. Đừng phán xét, chống lại hay trốn tránh chúng, bạn chỉ cần quan sát để hiểu bản chất của chúng và cách thức mà chúng vận hành. Hãy vào rừng, đi dạo trên bãi biển hoặc ngắm mây trời nhiều hơn, thay vì nhốt mình trong thế giới nhân tạo của lề luật, tiền nong và bê tông cốt thép. Hãy dành thời gian hằng đêm để quan sát nội tâm mình trong im lặng. Quá trình này có thể mất vài năm hoặc vài kiếp, nhưng nó là cách phù hợp nhất để đến với phép thuật một cách tự nhiên. Bạn sẽ cảm nhận được phép màu trong thế giới khi tâm hồn bạn đã sẵn sàng. Hành trình đến với phép thuật, thực ra, chính là việc không ngừng vượt qua những lớp ảo tưởng trong cuộc sống.

(Bài viết này được tổng hợp từ những định kiến của người viết, và chắc chắn không phản ánh sự thật. Nó chỉ có giá trị như một tài liệu tham khảo trong hành trình tìm kiếm sự thật về bản thân mỗi chúng ta.)

Nguyễn Vũ Hiệp

Rate this post

(5★ | 878 Đánh giá)
TÀI TRỢ

Bạn cũng có thể thích Thêm từ tác giả

Được đóng lại.