Thần Thoại Ai Cập – Thần Imhotep

0 2.102

Imhotep (Imuthes) – Thần Y và Kiến trúc

CCI19122015_0019

Mọi người đều chết. Các thần cũng có thể chết; Set đã chứng tỏ điều này khi giết em trai Usir của mình.

Song người ta chết một cách thường xuyên – nó thuộc về bản tính tự nhiên của họ. Tuy nhiên, nếu khi ở trên đời người ta sống tốt, thì lúc chết, họ có cơ may được hưởng cuộc sống vĩnh hằng, nó kéo dài chừng nào thi thể của họ được chăm lo sao cho đúng những quy định chính xác, bao gồm quá trình ướp xác và trong lúc chôn cất. Những người giàu có được xây mộ đặc biệt, gọi là mastaba (lăng). Chúng được trữ đầy những đồ ăn thức uống dự trữ, để người chết không bao giờ bị đói.

Pharaoh, vị chúa tể của toàn Ai Cập, đặt cược nhiều nhất vào việc làm sao để thi thể của mình được chăm lo, vì sau khi chết ngài sẽ hợp nhất với một vị thần – và sẽ sống mãi với các quyền năng mà một vị thần có được. Nữ thần Heket, một trong các vợ của Khnum giúp các pharaoh sau khi chết bằng cách chỉ đường cho họ lên trời.

Và thế là các pharaoh bắt đầu xây những lăng mộ xứng với một vị thần. Mastaba của họ được xây ngầm với một mê cung những đường hầm dẫn đến một căn phòng ở giữa được phủ đá hoa cương, là nơi cất giữ thi thể người chết. Bên ngoài căn phòng này là các hành lang với những kho chứa, tất cả đều được trang trí đẹp bằng ngói men xanh. Mặt ngoài lăng được xây bằng gạch và bùn. Các pharaoh cho dựng những bia mộ cao – những chiếc cột nhọn đầu vĩ đại – bên ngoài lăng mộ mình, với các bức chạm trổ thích hợp, những con chim ưng đặc trưng. Những cấu trúc cao ngất ấy, những lăng mộ thích hợp ấy là nơi trú ngụ của pharaoh sau khi chết.

Gạch xây lăng mộ được làm từ bùn sông Nile phơi nắng. Các cảnh vẽ trên tường bên trong khắc họa những trò tiêu khiển điển hình, thường là những trò từng được người quá cố ưa thích.
Gạch xây lăng mộ được làm từ bùn sông Nile phơi nắng. Các cảnh vẽ trên tường bên trong khắc họa những trò tiêu khiển điển hình, thường là những trò từng được người quá cố ưa thích.

Imhotep là một người rất có học thức thời Đệ Tam đế chế. Ông không ngừng học hỏi và tập hợp quanh mình những người biết viết, họ cùng nhau đàm đạo về bản thể của vũ trụ và các công trình của thế giới tự nhiên. Imhotep biết nhiều điều về cấu trúc của con người – cách thức mà cơ thể vận hành. Ông là một thầy thuốc và biết cách chiết xuất từ trái cây ra thứ chất lỏng để làm thuốc. Ông nhổ những chiếc răng hỏng và mổ xẻ các bộ phận cơ thể bị bệnh. Ông dạy cho mọi người hiểu máu truyền di trong cơ thể như thế nào và mỗi cơ quan đảm nhận nhiệm vụ gì. Imhotep cũng hiểu biết nhiều về cấu tạo các đồ vật do con người làm ra: các dụng cụ, giường tủ bàn ghế và ngôi nhà. Ông cũng dạy về những thứ đó. Ông sớm có được uy tín của một nhà thông thái và trở thành một thầy tế cao cấp ở thành phố Iunu.

Đó là một thời điểm khó khăn đối với Ai Cập. Bảy năm trôi qua mà nước sông Nile không dâng lên tràn ngập hai bờ sông. Nông dân trở nên tuyệt vọng, vì không có lũ lụt đất đai sẽ trở nên khô cằn. Hạt giống sẽ khô héo trước khi được gieo trồng. Nhiều cây đã bắt đầu bị lụi đi vì thiếu các dưỡng chất có trong nước. Các vụ thu hoạch đều thất bát. Người già rút lại chỉ ngồi dựa lưng vào tường, cử động càng ít càng tốt. Trẻ con kêu khóc. Người lớn đói lả không buồn lê bước. Chưa bao giờ sự yếu ớt và mong manh của cuộc sống lại hằn rõ như thế.

Với sự tận tâm của mình, học giả-thầy tế Imhotep đã nghĩ về các lăng mộ. Ông nghĩ về sự trôi chảy của thời gian, về tác dụng của gió và mưa. Và ông lo lắng. Gạch và bùn xây lăng mộ được mặt trời chói chang của Ai Cập hun cho khô cứng. Nhưng gạch và bùn đơn giản chỉ là gạch và bùn. Cuối cùng chúng sẽ tan vỡ. Một ngôi mộ pharaoh không tồn tại mãi mãi phỏng có ích gì?

Kim tự tháp Djoser là công trình cao nhất vào thời đó. Một bức tường cao gần mười mét bao quanh kim tự tháp cũng như các bãi đất rộng bằng cả một thành phố, với các ngôi đền và khoảng sân.
Kim tự tháp Djoser là công trình cao nhất vào thời đó. Một bức tường cao gần mười mét bao quanh kim tự tháp cũng như các bãi đất rộng bằng cả một thành phố, với các ngôi đền và khoảng sân.

 

Thế là Imhotep khuyên Pharaoh Netjerikhet, thường được biết đến nhiều hơn với tên Djoser, xây một kiểu mộ mới, gồm những khối mộ xếp chồng lên nhau, mỗi cái lại nhỏ đi một chút so với cái ở dưới, sao cho chúng vươn lên thành các bậc. Mẹo mực cho tất cả đó là các khối sẽ được xây bằng đá. Suy cho cùng, đá vôi có vô thiên lủng ở Hạ Ai Cập, nhất là vùng gần bờ biển. Có thể mở mỏ khai thác đá vôi ở gần kinh đô Ineb-Hedj và xây lăng mộ đá – kim tự tháp hình bậc thang – ở khu nghĩa địa của Saqqara gần đó. Vả lại, đá vôi có màu trắng; được mài bóng nó sẽ bắt các tia mặt trời và thế là người ta có thể nhìn thấy vẻ huy hoàng của tòa kim tự tháp từ xa. Ngoài ra, một kim tự tháp đá sẽ tôn vinh các thần, và có thể họ sẽ chấm dứt nạn đói khủng khiếp này.

Đó là một ý tưởng cách mạng. Làm sao người ta có thể xây một kim tự tháp khổng lồ bằng đá nặng? Cái gì sẽ giữ cho nó khỏi sụp đổ mà chỉ bằng vào sức nặng? Imhotep bắt đầu với một ngôi mộ bình thường – một căn phòng ốp đá hoa cương vây quanh là các phòng xây bằng gạch và bùn. Ông bao phần bên trong này bằng một kim tự tháp gồm bốn bậc, mỗi lớp đều bằng đá vôi, rồi cuối cùng xây cao bên trên sáu tầng nữa.

Quả thực, những người đang trên đường đến kinh đô có thể trông thấy kim tự tháp khi còn ở cách xa vài ngày đường.

Cần 20.000 đến 30.000 lao động để xây dựng các kim tự tháp vĩ đại. Một số người làm quanh năm. Số khác là nông dân đến làm giúp trong mùa lũ, khi họ không thể làm đồng.
Cần 20.000 đến 30.000 lao động để xây dựng các kim tự tháp vĩ đại. Một số người làm quanh năm. Số khác là nông dân đến làm giúp trong mùa lũ, khi họ không thể làm đồng.

 

Các kim tự tháp bậc thang này càng cao thì chúng càng giống với chiếc thang dẫn lên trời. Các dòng họ pharaoh, các triều đại, cảm thây tin chắc vào đời sau của vương triều. Và các kim tự tháp bậc thang này đã lát đường cho các kim tự tháp mặt nhẩn mà giờ đây đã trở nên quen thuộc với cả thế giới.

Kì tích xây dựng các kim tự tháp hình bậc thang nổi bật đến mức tên của Imhotep đã trở nên được thành kính trên khắp xứ sở, và gần hai nghìn năm sau ông được xem như một vị thần – vị thần y và kiến trúc. Theo nhiều cách, Imhotep là hiện thân tốt đẹp nhất của sự tri giác về Ai Cập cổ đại: mối quan tâm đến thánh thần kết hợp với sự chú trọng đến các nhu cầu của cơ thể, lí trí và tinh thần dưới mặt đất.

Xem đầy đủ hơn về Thần thoại Ai Cập: >click here<

Thần Thoại Ai Cập – NXB Kim Đồng

Dựa theo: Treasury of Egyptian Mythology
Classic Stories of Gods, Goddesses, monsters & mortals – Donna Jo Napoli

Minh họa: Christina Balit

 

Rate this post

(5★ | 1550 Đánh giá)
TÀI TRỢ

Bạn cũng có thể thích Thêm từ tác giả

Để lại một trả lời