Quẻ Dịch Số 6
Quẻ Dịch Số 6
Conflict – Thiên Thủy Tụng (Nhị Nhân Tranh Lộ) – Tranh chấp, nghi ngờ, bất đồng, kiện cáo
Tranh chấp về cơ bản là một sự xung đột ý chí — và xung đột trước hết nảy sinh bên trong mỗi bên tham chiến. Khi một cá nhân hoặc một nhóm có niềm tin mãnh liệt về tính đúng đắn của một ý tưởng, một đề xuất hoặc một cách hành xử nhất định, thì rất dễ đánh mất tầm nhìn về một bức tranh toàn cảnh lớn hơn mà trong đó mỗi điểm lợi thế sẽ trình ra một góc nhìn độc đáo và giá trị. Và khi các bên đối lập của một cuộc xung đột bị “khóa chặt” vào vị trí của mình, cả hai đều mất đi góc nhìn cần thiết để cùng nhau tìm ra giải pháp cho vấn đề. Trên thực tế, bầu không khí có thể trở nên căng thẳng và tăng nhiệt đến mức mỗi bên bắt đầu coi cuộc đấu tranh là vấn đề sinh tử.
Trong một cuộc tranh chấp như vậy, thiệt hại đầu tiên là nó sẽ tác động đến tiềm năng nằm trong mỗi con người chúng ta, đó là được trải nghiệm bản thân trong vai trò là một phần tử không thể thiếu của một tập thể — vốn dĩ đủ rộng lớn để có được một góc nhìn 360 độ và đủ mạnh mẽ để thoát ra khỏi tính hai mặt của phản ứng chống cự-hoặc-bỏ chạy (đấu tranh chống lại hoặc chạy trốn). Luôn có một lựa chọn thứ ba, không từ bỏ lẽ phải mà một người cảm nhận sâu sắc và cũng không ép buộc một người không sẵn lòng phải phục tùng mong muốn của mình. Nhưng lựa chọn thứ ba này yêu cầu cái nắm tay đang siết chặt kia phải được nới lỏng thành một bàn tay rộng mở, và trái tim và khối óc cũng phải luôn rộng mở.
Chỉ cần một trong hai bên tham chiến rút chân khỏi chiến trường là có thể thay đổi toàn bộ cục diện. Không phải bằng cách “nhượng bộ” hay thoái lui để lên kế hoạch chuẩn bị cho một chiến lược khôn ngoan hơn, mà thoát ra theo kiểu bước đi lên một quả đồi để đến một vùng đất cao hơn, nơi có tầm nhìn bao quát. Cả năng lượng và tầm nhìn đều có tính lan tỏa – bất kể sự lan truyền ấy là sự phòng thủ, sự tức giận và sợ hãi, hay sự hiểu biết, rằng mỗi chúng ta là một thành viên độc nhất và quý giá của một tập thể lớn hơn. Chúng ta muốn lan tỏa điều gì là do mỗi chúng ta lựa chọn, nó luôn luôn ở đó chờ chúng ta quyết định.
Bước đầu tiên trên con đường đi lên ngọn đồi ấy là hãy lùi lại một bước, thoát khỏi tình trạng hiện tại để bình tĩnh lại. Về bản chất, công việc sẽ bắt đầu từ chính mình. Trước tiên hãy đặt câu hỏi, mà không đổ lỗi, để hiểu xem tranh chấp đã bắt đầu như thế nào. Tìm kiếm gốc rễ của xung đột trong chính bản thân bạn và trong những việc bạn làm, đồng thời loại bỏ thiên kiến mà bạn có thể đang có với “người khác”.
Mỗi người trong chúng ta đều đã học được tất cả các loại kỹ thuật “sống sót” trong một thế giới tôn vinh kẻ mạnh và những người hành động sôi nổi, xông xáo – nói một cách ngắn gọn là “những người chiến thắng”. Nhưng để là “người chiến thắng” thường cần phải có “kẻ thua cuộc”, và không ai muốn trở thành một trong hai kiểu người này. Bạn sợ mất điều gì khi bắt đầu việc làm này? Và có phải bạn đã lựa chọn đi theo nỗi sợ hãi đó thay vì chọn ý thức về sức mạnh và giá trị của bản thân?
Khi quán xét nội tâm để xác định các khoản đầu tư của chính bạn trong một cuộc tranh chấp, bạn có thể hiểu ra nhiều điều về bản thân cũng như nỗi sợ hãi và điểm yếu của mình. Nhờ nhìn thấy chúng rõ ràng, bạn học được tính khiêm tốn để biết tha thứ và nhận được sự tha thứ, bạn có nội lực để chịu trách nhiệm về những điểm yếu của mình và có lòng trắc ẩn đối với điểm yếu của người khác.
Các biến đổi trong quẻ dịch số 6
Hào dưới cùng
Đôi khi điều tốt nhất nên làm là từ bỏ một cuộc tranh chấp trước khi nó bắt đầu có mầm mống. Nếu đã quá muộn không thể làm vậy, điều tốt nhất tiếp theo bạn có thể làm là từ bỏ nó ngay khi nó vừa khởi phát. Có một điều rất hay về ý chí quyền lực, vốn nằm ở gốc rễ của mọi xung đột: nếu bạn không từ bỏ quyền lực của mình, thì không ai có thể lấy nó khỏi tay bạn. Khi bạn giữ quyền lực cho riêng mình, đó là dấu chấm hết của cuộc chơi.
Hào 2
Cái tôi luôn luôn bị khiêu khích – cái tôi đích thực biết chính xác nó là ai và vị trí của nó là ở đâu. Và câu nói của người xưa rất đúng, rằng khi bắt đầu các trận chiến, chúng ta có khuynh hướng trở nên giống kẻ thù của mình. Bạn đâu có muốn điều đó xảy ra, đúng không?
Hào 3
Thái độ cởi mở và mong muốn hòa hợp sẽ giúp loại bỏ “những miếng bịt mắt” khiến tầm nhìn của bạn bị giới hạn và giúp thay thế những điều cứng nhắc cũ kỹ bằng sự linh hoạt. Thông qua quá trình làm bài tập này – hay là quá trình nhận thức cá nhân – sự hiểu biết của bạn trở nên sáng rõ, lòng tự trọng tăng lên và cách sống tự nhiên và thanh thoát hơn cũng bắt đầu.
Hào 4
Mọi tình huống bất lợi cho đôi bên hay mọi xung đột đều ẩn chứa tiềm năng về một kết quả làm lợi cho đôi bên, mà kết quả này có thể cải thiện tình trạng của tất cả những người liên quan. Những người trên thực tế ở thế “đánh bại” đối thủ của mình đang gánh vác một trọng trách đặc biệt và nắm giữ một cơ hội hiếm có để tìm ra giải pháp tốt đẹp cho cả đôi bên, nhằm mang lại lợi ích lâu dài, thay vì hài lòng với mùi vị chiến thắng vốn chỉ là nhất thời.
Hào 5
Đừng thử khởi sự bất cứ điều gì mới mẻ cho đến khi tranh chấp hiện tại đã được giải quyết. Giống như loại bỏ một cái dằm ra khỏi ngón tay, quá trình ắt hẳn sẽ đau đớn nhưng cần thiết để ngăn ngừa những tổn hại phát sinh. Nếu sẵn có, đây là thời điểm tốt để tận dụng sự giúp đỡ của một người hòa giải thực sự khách quan, vô tư, người có thể làm sáng tỏ những uẩn khúc.
Hào trên cùng
Khi mọi thứ đạt đến điểm sôi, ngọn lửa bên dưới cái nồi sẽ không tự tắt một cách thần kỳ. Dù cho khó khăn đến đâu, điều cần thiết là phải kiên trì tìm ra cách giải quyết vấn đề. Ban đầu, nó làm bản ngã thấy bực bội và khó chịu bởi vì thứ bản ngã ghét nhất là vẻ ngoài yếu đuối. Nhưng suy cho cùng, những bộ trang phục thoải mái vẫn ít gây đau đớn hơn so với một bộ giáp nặng nề.
Tra cứu
Luận giải ý nghĩa 64 quẻ Kinh Dịch