Thần Thoại Hy Lạp – Thế Giới Olympe

0 1.037

Ngọn núi Olympe cao chót vót, bốn mùa mây phủ là nơi cư trú vĩnh hằng của thế giới thần linh. Các thần ở trong một cung điện lộng lẫy làm toàn bằng đồng đỏ rực và vàng chói lọi do bàn tay khéo léo của thần Thợ rèn danh tiếng Héphaistos, đứa con què của thần Zeus, xây dựng lên.

GOW-2-1920-x-1080

Đường vào cung điện không phải dễ dàng vì cung điện Olympe chìm khuất sau những đám mây dày đặc dễ gì trông thấy mà lần đường tìm lối. Các vị thần bất kể nam, nữ ai ai từ dưới hạ giới lên hay trên thiên đình xuống cũng phải qua nơi ở của ba tiên nữ, có khi là bốn tiên nữ, có một cái tên chung là Heures – Thời gian, hoặc còn gọi là Bốn mùa để các nàng mở cửa mây cho mà đi, nghĩa là các nàng cất lên những đám mây dày đặc bao quanh, che kín cung điện Olympe.

Cung điện Olympe tuy bốn mùa mây phủ song bên trong lại là nơi ở tuyệt diệu có một không hai. Chẳng có gió mưa ẩm ướt, sương tuyết lạnh lẽo. Một vòm trời sáng láng trong xanh như một vòm cây che cho cung điện, ánh nắng mặt trời ở đây vàng dịu, êm ả, chẳng thể làm rám da, cháy thịt, sạm đen khuôn mặt uy nghi, xinh đẹp của các vị thần. Các vị thần sông ở một nơi thanh khiết: mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu, không khí trong veo, ngày ngày hội họp bàn việc cai quản, điều hành thế gian hay mở tiệc vui chơi trong những cảnh vũ hội tưng bừng, đàn ca réo rắt.

Các vị thần bước vào bàn tiệc. Tiếng cười nói, đàn ca tưng bừng, rộn rã. Các nữ thần Charites và các nàng Muses với vẻ đẹp duyên dáng và uyển chuyển múa theo tiếng nhạc, khi thì quần tụ lại thành một vòng tròn, khi thì tản ra thành từng đôi một, nhịp nhàng, đều đặn, hài hòa khiến các thần gật gù tâm tắc khen ngợi. Nữ thần Hébé, con gái yêu của Zeus và Héra, được giao cho việc rót rượu dâng mời các thần. Đây là loại rượu thánh riêng của thế giới Olympe, ai uống vào sẽ trẻ mãi không già, sống hạnh phúc, vui tươi không bao giờ biết đến tuổi già và cái chết. Cùng dâng mời rượu thánh và thức ăn thần với Hébé là chàng trai xinh đẹp Ganymède xưa kia ở đất Tiểu Á, là con của vua Tros người xây dựng thành Troie, và tiên nữ Callirhoé con gái thần sông Scamandre; thần Zeus đắm say, mê mệt vẻ đẹp của chàng đã hóa mình thành một con đại bàng sà xuống cắp lấy chàng tha về thế giới Olympe cho gia nhập vào thế giới thần thánh, Ganymède được thần Zeus ban cho sự bất tử. Nhưng không phải chỉ có Hébé và Ganymède chuyên dâng rượu thánh và thức ăn thần cho các vị thần. Thần Thợ rèn chân thọt, Héphaistos nhiều khi cũng đỡ một chân, một tay cho hai bạn trẻ. Những khi Héphaistos dâng rượu thì bàn tiệc lại vui nhộn hẳn lên. Tay cầm một chiếc bình lớn đầy rượu thánh ngọt lịm, thần rót tuần tự mời các vị thần từ bên phải trở đi. Cứ thế hết tuần rượu này đến lượt tuần rượu khác. Héphaistos chân thọt khập khiễng, lăng xăng chạy đi chạy lại, cà nhắc cà nhót khiến các vị thần không nhịn được cười. Và họ cứ thế cười nói, yên tiệc, đàn hát, vui chơi cho đến khi mặt trời xế bóng.

Trong những buổi tiệc vui như vậy, mọi người đều bình đẳng, không ai là không được tham dự, không ai là người không được thưởng thức rượu thánh và những thức ăn thần. Ai cũng được nghe tiêng đàn lia thánh thót làm say lòng người của thần Apollon và được nghe tiếng hát du dương véo von của các nàng Muses, con của đâng phụ vương Zeus.

Ngày naỵ, Ganymede chuyển nghĩa, mang một ý bông đùa, ám dự chỉ người hầu rượu, người phục vụ trong các bữa tiệc.

Từ cung điện Olympe trong các cuộc họp của các vị thần hay trong những buổi yến tiệc, thần Zeus và các vị thần điều khiển, sắp xếp mọi công việc của thế giới loài người và thế giới thần thánh. Vận mệnh của loài người, cuộc sống của họ sung sướng hay đau khổ tùy thuộc vào thần thánh, trước hết là thần Zeus. Zeus có hai cái chum lớn để ngay cổng vào cung điện, có người kể lại, Zeus chôn dưới đất một chum chứa những điều lành, một chum chứa những điều dữ. Zeus lấy những điều lành điều dữ từ đó ra đem ban phát cho những người trần thế. Ai mà được Zeus trộn đều hai thứ rồi phân phát cho thì người đó trong cuộc sống gặp cả niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ. Ai không may chỉ nhận được tặng phẩm của Zeus lấy từ cái chum đựng điều dữ thì cuộc đời người đó khốn khổ vô cùng: đói khát, rách rưới, không nhà, không cửa, không nơi nương tựa, phải đi lang thang, hành khất, bị mọi người khinh rẻ, và sống không có niềm hy vọng. Vì lẽ đó những người trần thế phải kính trọng các vị thần, chăm nom đến việc thờ cúng và dâng lễ hiến tế.

 Tổng hợp từ “Thần Thoại Hy Lạp – Nguyễn Văn Khỏa – NXB Văn Học”

Rate this post

(4.64★ | 582 Đánh giá)
TÀI TRỢ

Bạn cũng có thể thích Thêm từ tác giả

Để lại một trả lời