In Between Tarot – Chiếc Cầu Nối Những Lá Bài

0 2.767

In Between Tarot – Chiếc Cầu Nối Những Lá Bài

Tên bộ bài: In Between Tarot

Tác giả: Janine Worthington

Họa Sĩ: Franco Rivolli

Nhà xuất bản: Lo Scarabeo

Số lá bài: 78 lá + 2 lá bìa

Kích thước: 7,5 x 11,8 x 3,3 (cm)

Hình ảnh: Sử dụng hình ảnh hiện đại thể hiện sự phá cách từ chủ đề cho đến hình ảnh.

Chủ đề: Cầu nối giữa những lá bài.

Mục đích: Dùng để tiên tri và nhìn nhận sự kết nối giữa vạn vật. 

Thời điểm phát hành: 2019

Sách hướng dẫn: 160 trang. Sách được chia làm 5 phần với diễn giải về ý tưởng bộ bài cũng như ý nghĩa của từng lá. 

Ảnh: Nguyễn Hiếy
Ảnh: Nguyễn Hiếy

Nối tiếp chuỗi Các Bộ Bài Rider Waite Smith Từ Truyền Thống Đến Phá Cách, In Between Tarot được ra mắt sau 9 năm thai nghén. Ý tưởng của bộ bài khởi nguồn từ suy nghĩ của tác giả sau một giấc mơ vào năm 2010. Thông qua giấc mơ ấy, Janine Worthington nhận ra một điều là vạn vật trong vũ trụ này đều gắn kết với nhau theo một cách nào đó, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Với trái tim của một người yêu Tarot, cô nghĩ ngay đến sự liên kết trong bộ bài Rider Waite Smith (RWS) và tự hỏi rằng từng lá bài đều góp phần hình thành nên hành trình của Chàng Khờ, thế nhưng sao câu chuyện của từng lá lại rời rạc thế kia. Câu hỏi đó đã sinh ra trong đầu cô một ý tưởng về chiếc cầu nối giữa hình ảnh cũng như ý nghĩa của những lá bài với nhau. 

Ảnh: Nguyễn Hiếy
Ảnh: Nguyễn Hiếy

Bạn có thể xem bộ Tarot là một tấm bản đồ, các bộ ẩn và nhóm nguyên tố là một thành phố, và 78 lá bài là 78 địa điểm khác nhau trên tấm bản đồ ấy. Nếu Before Tarot và After Tarot kể cho chúng ta nghe câu chuyện về sự hình thành và phát triển của từng địa điểm, thì In Between Tarot chính người dẫn đường cho chúng ta đi từ địa điểm này đến địa điểm khác.

“Bản chất của vạn vật dù có mênh mông rộng lớn, và phức tạp khó hiểu như thế nào đi nữa thì đến cuối cùng chúng cũng đều có liên quan đến nhau cả – thế giới hữu hình và thế giới vô hình, vật chất hay phi vật chất đều được kết nối với nhau, thứ này cố gắng tạo sức ảnh hưởng lên thứ kia,… Mỗi quyết định, mỗi hành động đều được phản ánh, tác động và lặp lại trên vạn vật. Thế giới này chính là bị ràng buộc bởi những nút thắt bí ẩn như vậy đấy.” – Valentine Worth, In Between Tarot.

Ảnh: Nguyễn Hiếy
Ảnh: Nguyễn Hiếy

In Between Tarot bao gồm 78 lá bài như truyền thống và 2 lá bìa, được chia thành 22 lá Ẩn chính và 56 lá Ẩn phụ. Tên các lá bài trong Bộ Ẩn chính, các lá Hoàng gia và nhóm nguyên tố Wands, Cups, Swords không thay đổi, chỉ riêng nhóm Pentacles  được đổi tên thành Coins. Kích thước bộ bài gần với kích thước tiêu chuẩn, phù hợp với mọi kích cỡ tay của người dùng. Chất liệu bài khá cứng cáp và được cán bóng nên rất tiện cho việc xào và trải bài. Bộ Ẩn chính và từng nhóm nguyên tố trong In Between Tarot tạo thành năm vòng tuần hoàn ứng với năm hành trình riêng biệt, nhắc nhở chúng ta rằng đời người là tập hợp của những vòng tuần hoàn khác nhau. Đó cũng là lý do mà hình ảnh con rắn cắn đuôi (Ouroboros) xuất hiện ở mặt lưng lá bài. Đi kèm với bộ bài là sách hướng dẫn được in màu và diễn giải chi tiết hình ảnh cùng các biểu tượng trên những lá bài. Mặc dù bốn nhóm nguyên tố của Bộ Ẩn phụ thể hiện 4 câu chuyện khác nhau, nhưng tác giả đã không kể chi tiết về 4 câu chuyện đó mà cô muốn người dùng sẽ là người quyết định mạch truyện sẽ đi như thế nào.

Ảnh: Nguyễn Hiếy
Ảnh: Nguyễn Hiếy

Dù được xem là bộ bài tiếp nối Before Tarot và After Tarot nhưng In Between Tarot lại có hình ảnh minh họa hoàn toàn thoát khỏi nét vẽ của bộ bài tiêu chuẩn, nhằm mang lại hình ảnh không những truyền thống mà còn hiện đại cho người dùng. Bộ bài được thiết kế với 1/2 khung viền bên dưới lá bài với ngụ ý rằng một nửa năng lượng của lá bài được phóng thích và lan tỏa đến lá liền sau đó, nửa kia được giữ lại trong lá bài bởi phần viền. Ngoài những biểu tượng có liên quan, tác giả Janine Worthington và họa sĩ Franco Rivolli còn khéo léo lồng ghép những ý nghĩa số học vào hình học như: tâm hình tròn thể hiện sự tập trung và độc nhất của số 1, đường thẳng đại diện cho sự phân tách thành hai cực của số 2,… Hơn nữa cô cũng không quên gắn những biểu tượng chiêm tinh tương ứng vào trong từng lá bài.

Ảnh: Nguyễn Hiếy
Ảnh: Nguyễn Hiếy

Một số người sẽ gặp khó khăn trong việc xác định hình ảnh gắn liền với ý nghĩa đặc trưng theo chuẩn RWS của từng lá bài, đặc biệt là đối với Bộ Ẩn phụ. Đơn cử với hình ảnh của lá Five of Wands, bạn sẽ nhìn thấy chi tiết một người đàn ông đang được một người khác đội cho chiếc vòng nguyệt quế – biểu tượng của sự chiến thắng. Chi tiết này gợi nhớ cho bạn đến ý nghĩa của lá Six of Wands thay vì sự tranh đấu của Five of Wands. Nhưng nếu bạn chỉ tập trung vào tên lá bài, hay mong muốn hình ảnh thể hiện ý nghĩa gắn liền với cái tên của đó thì có lẽ bạn đang sử dụng bộ bài này chưa đúng cách rồi.

Ảnh: Nguyễn Hiếy
Ảnh: Nguyễn Hiếy

Chủ đề của bộ bài nói về những bước chuyển giao giữa lá bài này sang lá bài khác, từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, thế nên chúng ta cần khai thác ý nghĩa lá bài như một sự kết hợp giữa nó và lá liền sau đó. Ví dụ, bạn rút được lá Five of Wands lúc nãy, đừng vội nghĩ đến sự “lạc quẻ” của lá hình ảnh và tên lá bài. In Between Tarot kêu gọi chúng ta nhìn vào quá trình chuyển đổi từ Five of Wands sang Six of Wands, nhìn vào ánh mắt ghen tị từ những người xung quanh hai nhân vật chính, bạn sẽ hiểu ra họ đã trải qua sự luyện tập, chiến đấu và cạnh tranh như thế nào để có được giây phút này – thời khắc họ chuẩn bị được đội trên đầu chiếc vòng nguyệt quế – và rồi sau đó họ sẽ ở trong sự chiến thắng, vinh quang, được người người ngưỡng mộ, tâm phục khẩu phục ở lá Six of Wands sắp tới. 

Có thể nói, In Between Tarot đã kế thừa hình ảnh truyền thống từ bộ bài chuẩn RWS để tạo nên nét chấm phá phi truyền thống. Thông qua bộ bài này, bạn sẽ được khám phá nhiều hơn về bước chuyển mình cũng như là sự gặp gỡ giữa các nhân vật trong từng lá bài. 

Phan Huỳnh Ngọc Trúc

 

 

Rate this post

(4.5★ | 668 Đánh giá)
TÀI TRỢ

Bạn cũng có thể thích Thêm từ tác giả

Để lại một trả lời