Cách Gieo Quẻ Kinh Dịch
Ở bài viết này, phương pháp “gieo quẻ” sẽ được thực hiện bằng hai cách thức: tung đồng xu và rút bài. Tung đồng xu là cách thức từ thời xa xưa đã truyền từ rất lâu. Với cách thức này, bạn sẽ tạo ra được các quẻ dịch tương ứng, suy ra các quẻ biến, quẻ động. Còn với phương pháp rút bài, bạn sẽ xem 64 quẻ dịch như một bộ bài Oracle thông thường, cứ rút bài, đón nhận mọi thẻ xuất hiện rồi giải đáp. Cả hai đều cho ra những kết quả đúng đắn, dùng như rút bài mang tính hiện đại, nhanh gọn và có thể mở rộng ra nhiều góc nhìn hơn (thay vì chỉ dựa vào tính suy xét theo quẻ dịch có sẵn của việc tung đồng xu). Theo truyền thống, tiếng nói của trí tuệ được phát qua Kinh Dịch thường khó hiểu và cách biệt. Chúng ta sẽ lấy ví dụ từ bộ bài Tao Oracle để đưa mọi thông điệp trong Kinh Dịch đến gần hơn với mọi người.
Cách Thức I: Gieo Đồng Xu
Bước 1: Cầu nguyện
Hãy luôn chắc chắn rằng Vũ Trụ vẫn dõi theo từng bước hành trình của bạn! Trước khi gieo đồng xu, bạn hãy khấn một câu nói nào đó, đại loại chúng mang ý nghĩa về việc bạn thật sự mong cầu mọi sự sẽ thuận lợi, cảm ơn Vũ Trụ đã luôn bên bạn và đặt toàn bộ ý niệm vào điều bạn muốn.
Ví dụ: “Con cảm ơn Vũ Trụ vì đã luôn che chở cho con. Cầu mong mọi sự thuận buồm xuôi gió. Hãy giúp con nhìn ra được hướng đi của mình.”
Bước 2: Đặt câu hỏi
Việc đặt câu hỏi rất quan trọng. Một quẻ Kinh Dịch chứa đựng rất nhiều thông tin, nên một câu hỏi quá ngắn gọn, sơ sài có thể khiến cho việc giải đáp không mang tính khám phá thêm điều gì, có khi còn bị phản tác dụng như ra kết quả sai! Câu hỏi càng rõ ràng mục đích, càng cụ thể thì càng tốt!
* Những ghi chú dành cho loại câu hỏi chính xác:
- Việc kinh doanh mặt hàng X của tôi nếu đưa vào thực hiện trong tháng 6 thì kết quả thế nào?
- Mối quan hệ giữa tôi và Y liệu có thể giải quyết những mâu thuẫn trong thời gian qua?
- Dự định Z của tôi liệu có những vấn đề gì xảy ra và hướng giải quyết chúng?
* Những ghi chú dành cho loại câu hỏi không chính xác:
- Chuyện tình cảm của tôi sắp tới như thế nào? (câu hỏi dạng không rõ ràng)
- Tôi có giàu không? Có trúng số không? (câu hỏi truy vấn, vô nghĩa)
- Tôi nên chọn hướng A hay hướng B? (câu hỏi mơ hồ, thiếu sự phân tích)
Sau khi đã đặt câu hỏi xong, hãy lấy giấy và bút, hoặc một cuốn sổ nhật ký để ghi lại câu hỏi của bạn. Đồng thời, bạn cần ghi lại kết quả của việc giải quẻ dịch để tiện theo dõi, quan sát và chiêm nghiệm.
Bước 3: Gieo quẻ dịch bằng xu
Hãy sử dụng 3 đồng xu cổ, bạn có thể sử dụng đồng tiền xu hiện đại, chủ yếu là có lối thể hiện rõ mặt âm – dương trên xu để xác định quẻ thôi. Sau đó, hãy trải một tấm khăn thật phẳng phiu, sạch sẽ và thực hiện việc gieo đồng xu. Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo cho không gian thêm ấm cúng và thanh tịnh – một trong những chìa khóa quan trọng để thúc đẩy quẻ dịch ra đúng hơn. Đốt xô thơm, đốt nến, thắp nhang thơm cũng tạo ra cảm giác kết nối với Vũ Trụ hơn.
Đây là nguyên tắc chung để xét các hào cho 6 lần gieo (tương ứng với 6 gạch nhằm tạo ra được một quẻ dịch). Bạn sẽ tung xu và hào 1 bắt đầu từ bên dưới cùng:
- Mặt dương sẽ là số 3, mặt âm sẽ là số 2.
- Nếu tổng ba đồng xu là số chẵn thì bạn sẽ được Hào Âm (━ ━).
- Nếu tổng ba đồng xu là số lẻ thì bạn sẽ được Hào Dương (━━).
- Khi cả ba đồng xu đều ra đúng mặt dương hoặc mặt âm, ta gọi đó là “Hào Động” (tức là hào khởi đầu sẽ có sự biến chuyển về sau). Hào Động sẽ tạo ra Quẻ Biến dựa theo Quẻ Chính (sẽ được giải đáp bên bước 4).
Bước 4: Tạo ra ba quẻ dịch
Theo quy tắc thông thường, ta chỉ cần tạo ra hai quẻ dịch thôi, đó là Quẻ Chính và Quẻ Hỗ. Khi trong những lần tung xu, bạn xuất hiện kết quả cả ba đồng xu đều là dương hoặc âm, đó là lúc bạn có thể xét tiếp Quẻ Biến:
- Quẻ Chính: giải đáp cho hiện tại, trọng tâm của câu chuyện. Quẻ Chính sẽ được kiến tạo trong sáu lần tung đồng xu và thực hiện đúng một lần duy nhất.
- Quẻ Hỗ: giải đáp cho góc nhìn tương lai, đưa ra nguyên nhân, hệ quả kèm theo cách giải quyết. Quẻ Hỗ sẽ được tạo nên từ Quẻ Chính, ta sẽ lấy từ Hào 2 – 3 – 4 (đặt bên dưới) kết hợp với Hào 3 – 4 – 5 (đặt lên trên) tạo thành một quẻ dịch mới.
- Quẻ Biến: giải đáp cho góc nhìn tương lai xa hơn nữa, đưa ra lời khuyên để thay đổi thực tại. Quẻ Biến sẽ không xuất hiện khi trường hợp “Hào Động” không xuất hiện.
Nếu trong sáu hào bạn gieo có hào xuất hiện cả dương hoặc âm, hào đó sẽ thay đổi ngược lại, tạo thành một quẻ dịch khác hoàn toàn ban đầu, ta gọi đó là Quẻ Biến. Quẻ Biến vốn dĩ không quá quan trọng, cũng có trường hợp không xuất hiện (ví dụ như sáu hào không hào nào có cả hai mặt dương/âm xuất hiện cùng lúc) thì đó được xem là một tín hiệu của Vũ Trụ mách bảo rằng bạn cần được nhận một thông điệp quan trọng nào đó. Vốn dĩ, Quẻ Biến cũng là đại diện cho tương lai rất xa (có khi là diễn biến của 1 – 2 năm tới), Quẻ Biến còn là lời khuyên cần thiết để bạn nhanh chóng có sự nhìn lại vấn đề của mình, là cách thức để bạn nhận ra và sớm thay đổi.
Cách Thức II: Rút Bài Kinh Dịch
Nếu bạn hứng thú với hình thức rút bài, bạn hoàn toàn có thể sử dụng bất kỳ bộ bài Kinh Dịch nào để thực hiện việc gieo quẻ theo bài. Xem bộ bài Kinh Dịch như một hình thức sử dụng bài Oracle, đơn giản tiện lợi vô cùng.
Bước 1: Cầu nguyện (như phần Cách Thức I)
Bước 2: Đặt câu hỏi (như phần Cách Thức I)
Bước 3: Gieo quẻ dịch bằng rút bài
Cầm bộ bài bằng hai tay và xào bài, ghi nhớ câu hỏi của bạn trong đầu (hoặc viết ra giấy thì sẽ tiện trong việc nhìn vào, suy nghĩ câu hỏi trong đầu. Hãy cứ thong thả, đừng vội vàng, xào bài một cách thoải mái và chỉ dừng khi bản thân thật sự thoải mái. Khi bạn đã xào bài xong, hãy rút một thẻ bài, chiêm nghiệm hình minh họa của nó, sau đó xem xét các từ khóa và biểu tượng. Để hiểu sâu hơn về thông điệp của bài Oracle, hãy đọc lời chú giải trong cuốn sách. Sau buổi giải bài, hãy dành ra chút thời gian nghiền ngẫm thông điệp.
Bước 4: Giải đáp theo cách của bạn
Ở cách thức này, bạn có thể thực hiện theo hai cách sau:
- Chỉ rút đúng một thẻ bài: bạn có thể thực hiện như Cách Thức I đó là xét từ một quẻ dịch để tạo ra Quẻ Hỗ (chỉ cần thực hiện theo phần Cách Thức I) và Quẻ Biến (sẽ có hướng dẫn xét quẻ ở bước 5).
- Rút bao nhiêu thẻ tùy ý: nếu bạn xem đây là bộ bài Oracle đơn thuần và 64 quẻ dịch đóng vai trò là ý nghĩa để giải đáp, bạn có thể rút bao nhiêu thẻ tùy ý. Miễn sao là bạn hiểu thông điệp, giải được và đưa ra lời khuyên cho mình là được.
Bước 5: Tạo ra Quẻ Biến
Đây là một hình thức đặc biệt để xét quẻ dịch. Vốn dĩ việc rút bài sẽ khó thể nào xét được Quẻ Biến vì không có dấu hiệu xuất phát từ gieo đồng xu. Vậy nên, đây sẽ là cách thức riêng để xét Quẻ Biến dành riêng cho các bộ bài mang hệ thống Kinh Dịch.
Để tạo được Quẻ Biến theo dạng rút bài, bạn sẽ đảo chiều hai quẻ dịch lại với nhau, tạo thành một quẻ dịch mới. Tuy nhiên, sẽ có nhiều ý kiến cho rằng nếu đảo chiều như vậy thì chắc chắn sẽ có những trường hợp không thể đổi được, điển hình khi xuất hiện các quẻ “Bát Thuần” thì việc thay đổi trở nên vô nghĩa. Ta sẽ có một cách hiểu khác thú vị hơn, đó là những quẻ dịch không thể thay đổi sẽ được xem chúng là đại diện hoàn hảo cho lời khuyên mà Vũ Trụ muốn gửi đến bạn. Nói cách khác, Quẻ Chính bạn nhận được cũng là lời khuyên phù hợp dành cho bạn ngay lúc đó.
Ví dụ: bạn rút ra được quẻ Bát Thuần Cấn, chỉ về tình hình hiện tại đang có sự bị động, giậm chân tại chỗ, khó thể nào tiến tới. Bản chất, quẻ Càn và Cấn sẽ không tạo ra được Quẻ Hỗ (vì dù lấy các Hào đảo thì nó vẫn ra y chang như vậy) và Quẻ Biến (đảo chiều cũng không thay đổi gì). Vậy nên, quẻ này ý cũng nói về góc nhìn tương lai sẽ tiếp tục có sự “bị động” như vậy mãi. Kèm theo lời khuyên chính là sự kiên nhẫn chờ đợi thời điểm này qua đi.
Hai cách thức này bạn hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn sử dụng, miễn bản thân cho ra kết quả tương ứng là được. Khi sử dụng Kinh Dịch theo phong cách rút bài như phương Tây, đừng áp đặt hệ thống phải theo quy chuẩn nào đó cả. Hãy tin tưởng vào bản thân, sử dụng theo hướng bản thân muốn!
Sách hướng dẫn Tao Oracle của Ma Deva Padma
Người biên soạn: Nguyễn Hiếu