Cỗ Bài Tarot: Không Phải của Các Mụ Già Gypsy Trùm Khăn Kín Mít

8.676

Con người muôn đời là giống tò mò về vận mệnh của chính mình, chẳng loại trừ ai, từ bà bán rau đến ông hoàng đế. Trước năm 1975. nhiều học giả miền Nam đã viết và xuất bản sách về tử vi phong thủy rất nổi tiếng, như cụ Thiên Lương, Vân Đằng Thái Thứ Lang… Dạo gần đây, mọi người có vẻ quay trở lại học các môn khoa học có nguồn gốc lâu đời, thiết thân với tâm sinh lý tình cảm con người. Khoa học huyền bí chính vì vậy phát triển hơn bao giờ hết. Làn sóng học và thực hành khoa học huyền bí phương Tây do vậy cũng hết sức phát triển, nhưng lại chỉ dừng lại ở tầng lớp người trẻ, biết tiếng Anh, nên cũng có cái giới hạn. “Tam thập nhi lập”, dưới ba mươi tuổi trừ phi có tố chất và được đào tạo bài bản, khó lòng có thể mang chuyện thiên văn địa lý ra để giảng giải cho người cần biết vận mệnh, vì nó không chỉ là kiến thức học được, mà còn là nhân sinh quan của mình đã “nhuyễn hóa” kiến thức đó để hướng dẫn cho người đang thắc mắc. Nếu nhân sinh quan đó còn quá trẻ trung và hiếu thắng, chắc chắn lời khuyên đưa ra dựa trên các hiện tượng thấu thị được chỉ là phần nổi của tảng băng.

la-bai-xien-cheo
1 lá bài Tarot

Tuy nhiên, vượt qua những trở ngại trên, dạo này bói bài Tarot lại rất “hot”. Có thể nói cùng với làn sóng vẽ hoạt hình chibi, thời trang harajuku, chơi ván trượt, vẽ graffiti, trà chanh chém gió…, thì bói bài Tarot là thứ các bạn teen đang rất khoái. Nhan nhản đầy các hội chợ bán quần áo vật dụng thập cẩm, sẽ thấy có một gian bói bài Tarot. Thầy coi cũng teen, người đi coi cũng teen, thầy truyền nghề Tarot cũng… teen nốt. Các bộ bài cũng teen, từ chủ đề Hello Kitty đến các kiểu vẽ gothic mèo đen xương cá da gà mặt ngựa Deviant Moon Tarot… khiến có khi người ngoài nhìn vào hiểu lầm Tarot chỉ là một phong trào của teen.

HelloKitty-Small
Hình minh hoạ 3 lá: Justice (Sự công bằng), The High Priestess (Nữ tư tế) – thuộc Đại bí mật, và King of Wands (Già Chuồn) – thuộc Tiểu Bí Mật, trong bộ bài Tarot Hello Kitty

Xin đừng hiểu vậy tội chết. Chẳng khác nào phương Tây có mấy bọn trẻ trâu đem Kinh Dịch ra từng quẻ in lên giấy gói bánh bao Tàu để bán cho nó “ngầu”. Tất nhiên, tôi không có ý chỉ trích gì vì mình rất thoáng và cũng còn trẻ, và đây là một hiện tượng văn hoá đương nhiên: ở phương Tây bài Tarot và các bộ bài bói (gọi là oracle deck) cũng như các vật trang trí, đi kèm bói bài là một ngành kinh doanh màu mỡ, và người tiêu dùng từ trẻ đến già hễ có nhu cầu gì, sở thích gì, là lại có một bộ bài Tarot thiết kế cho đúng nhu cầu đó. Nhưng có lẽ đã đến lúc Tarot cần có một hình ảnh khác trong văn hóa phổ thông. Nên mới có bài viết này.

Tarot là bài 78 lá, bài Tây 52 lá lấy từ bài Tarot mà ra, nên đương nhiên, Tarot sẽ có 52 lá y chang như bài Tây, thêm 4 lá tên là (Hiệp) Sĩ, trên Bồi và dưới Đầm, cũng có Sĩ cơ, Sĩ rô, Sĩ chuồn, Sĩ bích – 56 lá này trong Tarot gọi là Minor Arcana (Tiểu Bí Mật) vì nó dùng để chỉ những việc bình thường trong cuộc sống, những việc nhỏ, hoặc chỉ người thực hiện các việc đó. Tarot có thêm 22 lá nữa, gọi là Major Arcana (Đại Bí Mật), vì nó chỉ chuyện… trên trời, chuyện lớn, chuyện ngoài tầm tay của mình, và khớp với 22 ký tự Hebrew trong bản chữ cái của người Do Thái cổ. 78 lá đó mỗi lá đều là một câu chuyện, một ý nghĩa, một tình huống, một hiện trạng khác nhau.

high-priestiess
Con bài The High Priestess (Nữ Tư Tế) trong bộ bài chuẩn Rider Waite Tarot thuộc Đại Bí Mật
king-wands-shadow
Con bài King of Wands (Già Chuồn) trong bộ bài chuẩn Rider Waite, thuộc bộ Tiểu Bí Mật

Tarot khác bài Tây ở chỗ pictorial presentation, có nghĩa là Tarot vẽ hình các ý nghĩa ra, chứ không vẽ “màu” cơ, rô, chuồn, bích khá khó hiểu. Chính vì vậy mà hiện tại trên thế giới chắc có khoảng hơn 100,000 bộ bài Tarot khác nhau, và mỗi năm, với tốc độ thương mại hóa khoa học huyền bí như hiện tại ở phương Tây, lại cho ra mắt thêm vài chục bộ nữa. Nhưng hãy cứ nghĩ Tarot như 24 chữ cái, có vẽ bằng font chữ nào thì ý nghĩa hầu hết cũng vẫn được giữ nguyên cho từng lá bài

death-thoth
Đây là lá Death (Tử Thần) trong bộ bài Thoth Tarot ra đời vào khoảng năm 1939, chúng ta thấy bộ xương đang nhảy múa. Bộ bài này là một trong những bộ nổi tiếng nhất mọi thời đại do nhà huyền học Alester Crowley sáng tác ra và nhờ hoạ sĩ Lady Harris vẽ.
death-con-chim
Death (Tử Thần) trong Shawdowscape Tarot ra đời năm 2010 thì có vẻ tươi sáng lạc quan hơn với hình ảnh chim phụng hoàng. Người thiết kế là một người Malaysia gốc Trung Quốc tên là Stephanie Pui-Mun Law.

Tarot có xuất xứ từ đâu? Cái này các nhà nghiên cứu vẫn chưa trả lời được. Một số người nói nó có nguồn gốc từ Ai Cập, nghĩa là tuổi đời Tarot cho đến nay khoảng 10,000 năm. Một số khác nói từ Do Thái cổ, vì tarot là đọc trại của “torat” hay là “torah”, bộ kinh của người Do Thái.

Nhưng để gọi là chuẩn hóa thành 78 lá như hiện tại, thì phải đợi đến thời kỳ Phục Hưng, khi con người bắt đầu quan tâm và tái hiện lại văn hoá Hi-La, hậu duệ của văn minh Ai Cập. Ở thế kỷ 14, tại triều đình Ý (lúc này tồn tại ở dạng thành bang), nhờ việc lật lại các văn bản khảo cổ xưa, đã phục hưng lại Tarot và chuẩn hóa lại một số ý nghĩa trong từng lá bài, đồng thời bắt đầu phác họa ý nghĩa của từng lá trong bộ Đại Bí Mật-Thiên Định; trong khi đó, bộ Tiểu Bí Mật-Nhân Định vẫn còn vẽ theo kiểu đại diện (ví dụ: con 4 chuồn Four of Wands vẫn vẽ là 4 cây gậy chứ chưa vẽ theo ý nghĩa của lá này).

4-la-bai
Bộ bài cổ Tarot Visconti từ thế kỷ 14 vẫn còn vẽ 4 of Wands (4 chuồn) là 4 cây gậy, 8 of Pentacles (8 rô) là 8 đồng tiền, 10 of Swords (10 Bích) là 10 cây kiếm

Đến năm 1910, Arthur E. Waite, một nhà huyền bí học thuộc hội kín Golden Dawn đã nhờ một họa sĩ là Pamela Coleman Smith vẽ lại toàn bộ 78 lá theo học thuật của ông, và đó là bộ bài Tarot đầu tiên theo trường phái pictorial presentation (thể hiện bằng hình ảnh), khác hoàn toàn kiểu triều đình Ý (mà bộ bài Tây lấy từ đó). Vì có quá nhiều bộ vẽ theo nhiều phong cách khác nhau, bộ bài này ra đời đã “quán quân” tất cả, và trở thành bộ bài chuẩn, dùng để học vỡ lòng môn Tarot.

tarot_rider_waite_smith

Sốt ruột rồi phải không? Giờ là câu hỏi chính đây: Tại sao chỉ cần lật vài lá bài là biết vận mệnh chúng ta?

Chẳng phải mỗi người đều là một thực thể độc lập, với một lịch sử và hướng đi hoàn toàn khác nhau? Các nhà phân tâm học vào cuộc…

Carl Jung, học trò của Sigmund Freud (cả hai thầy trò nhà này đều trở thành nhà phân tâm học nổi tiếng nhất lịch sử nhân loại) có một lý thuyết rất hay: collective subconsciousness (hệ tiềm thức tập trung/chuẩn). Tóm tắt: loài người tuy tồn tại độc lập với suy nghĩ riêng, nhưng đều đóng góp và rút ra nhiều thứ từ cái hệ chuẩn này. Hệ này hoạt động bằng hình ảnh. Ví dụ: một người Hi Lạp cổ đại, với một người làm chứng khoán ở New York thời hiện đại, và một người Việt Nam sống ở Quảng Nam, cả 3 người này, khi nghĩ về từ “mẹ”, hoặc nhìn hình ảnh một người đàn bà hơi lớn tuổi, phúc hậu, xung quanh là thiên nhiên tươi tốt sum sê trĩu quả, có thêm đứa con càng tốt, đều nghĩ đến “mẹ”, và lập tức trong đầu họ, sẽ nảy ra một nhóm thuộc tính liên quan đến “mẹ” như: tình mẫu tử, thai nghén, sự nuông chiều, đất mẹ…

Tại sao loài người lại có cùng một ý tưởng đó. Chính là do có collective subconsciousness. Hệ chuẩn này là nền tảng của tư duy con người, của nghệ thuật, của xã hội. 78 lá bài Tarot thể hiện đúng 78 hình thái hệ tiềm thức chuẩn đó. Ý tưởng về “mẹ” chính là lá số 3 của bộ Thiên Định, số của sự sáng tạo (nam nữ hai người gặp nhau sinh ra người thứ ba), số của sự dưỡng nuôi, và lá Tarot này tên là “The Empress” – Nữ Hoàng, mẹ của các mẹ. Ý nghĩa bao quát của lá bài này là: làm mẹ, chăm sóc, sự đầy đủ, các giác quan, thế giới tự nhiên.

empress-mau-xanh
Lá The Empress (Nữ hoàng) của bộ Thoth Tarot có hình con chim bồ nông chăm chút cho bầy con, hoa sen của phương đông tượng trưng cho vẻ đẹp nữ tính, và dấu hiệu Venus – thần vệ nữ, tượng trưng cho tình yêu, sự mắn đẻ, hạnh phúc
the-empress-co-gai
Lá The Empress (Nữ hoàng) của bộ Rider Waite Tarot có người đàn bà mặc áo lựu đỏ (lựu tượng trưng cho hoa quả của đất mẹ và sự nữ tính), giữa vườn cây trái màu mỡ, có cái khiên với dấu hiệu Venus.

Chính vì vậy, Tarot là xuyên văn hóa, xuyên thời gian và không gian. Để kích hoạt sự kết nối của tiềm thức cá nhân với tiềm thức tập thể/tiềm thức chuẩn này, khi bốc bài người ta cần tập trung nghĩ về vấn đề muốn hỏi, khi rút thì rút bằng tay không thuận, để thùy não chỉ huy hình ảnh, tiềm thức được tiếp cận nhanh nhất. Khi rút bài, ta đã dùng chính năng lượng của mình, nhân điện của mình để ảnh hưởng lên tính ngẫu nhiên của việc xào rút bài, và nhìn kìa: ta đã rút được những lá bài miêu tả chính xác tình trạng của chúng ta, đồng thời có cả lời khuyên đi kèm. Thật kỳ diệu!

Kay Nguyễn – Soi.today

***

Loạt bài về tarot của cô Kay

Bài 1 – Cỗ bài Tarot: Không phải của các mụ già gypsy trùm khăn kín mít 

Bài 2 – Đại Bí Mật: Gã Khờ gặp Nhà Ảo Thuật và Nữ Tư Tế

Bài 3 – Bộ ba quyền lực trong Tarot: Nữ Hoàng, Hoàng Đế, Thầy Tư Tế

Bài 5 –  Khôn như Sức Mạnh và bình tĩnh như Kẻ Ẩn Dật 

Bài 6 – Vận Xa và Công Lý: một vui, một lo

Bài 7 – Người Treo và Tử Thần: trông rất gớm mà không đến nỗi ghê 

Bài 8 – Tiết Chế và Quỷ Dữ: Bốc được đều đau cái đầu

Bài 9 – Từ Tòa Tháp đến Thái Âm: trùng trùng nguy hiểm và khó đoán

Bài 10 – Kết thúc bộ Đại Bí Mật: mỹ mãn là Thế Giới

Bài 11 – Một lèo hết 40 lá Tiểu Bí Mật 

Rate this post

(4.79★ | 612 Đánh giá)
TÀI TRỢ

Bạn cũng có thể thích Thêm từ tác giả

Được đóng lại.