Thần Thoại Ai Cập – Thần Khnum

0 1.123

Khnum (Chnoumis) – Thần của Bàn xoay Thợ gốm

CCI18122015_0133

Thần Khnum là chồng của Nit. Họ sống cùng nhau ở thành phố Ta-senet. Đôi khi thôi, vì Nit chỉ là một trong số các vợ của Khnum.

Ở đảo Abu, rất xa về phía nam của Thượng Ai Cập, Khnum có một người vợ tên là Satet. Satet không phải loại thường. Là con gái của Ra, bà là một cung thủ thiện nghệ nên đã trở thành nữ thần săn bắn của dân địa phương. Bà giúp Khnum trong nhiệm vụ canh giữ nguồn nước sông Nile dưới cõi âm. Bà giúp được nhiều đến mức một số người nói bà là người canh giữ sông Nile. Và vì lũ sông Nile đảm bảo đất đai được màu mỡ cho vụ trồng câỵ tiếp theo, và vụ trồng cây và vụ thu hoạch đó đến lượt mình đảm bảo cho cuộc sống con người, nên Satet đi đứng rất oai phong, với những chiếc lông đà điểu trên vương miện. Bà cũng là một nữ thần sinh sản như Hut Heru. Con gái bà, Anuket, ở bên mẹ hay mượn hình hài của một con linh dương chạy về phía nam qua miền Nubia tươi đẹp, nơi nàng là một nữ thần được ưa thích. Vì thế Khnum có cuộc sống đầy mãn nguyện ở Abu.

Ở thành phố Her-wer Khnum, có một bà vợ khác: Heket. Hàng nghìn con ếch vẫn thường tụ tập ở hai bờ sông Nile để cầu nguyện cho Heket, nữ thần sáng thế ếch. Bạn biết đấy, Khnum là một người sáng tạo vĩ đại; việc đó thật tự nhiên đối với thần, vì thần có sẵn các vật liệu ngaỵ dưới tay. Cuối mùa lũ, khi nước sông Nile rút đi thì để lại phía sau lớp phù sa và macnơ, thứ đất sét cơ bản. Khnum đã phát minh ra chiếc bàn xoay để làm đồ gốm và dùng đất sét nặn ra con người. Rồi đến Heket nhảy vào cuộc, như loài ếch vẫn thế. Nàng thổi sự sống vào các tấm thân nhỏ bé và đút họ vào trong lòng mẹ họ.

Nàng làm thế ngay cả với các con của pharaoh Khuphu tàn ác, người đã xây nên những kim tự tháp to lớn hơn bất cứ ai trước đó, nhưng lại tỏ ra ít có lòng thương đối với thần dân của mình. Còn Heket thì rất thương người. Đàn bà chửa đẻ biết rằng Heket đã giúp bắt đầu sự sống nơi họ, và họ trông cậy ở nàng. Họ khâu những chiếc bùa hình con ếch để bảo vệ họ khi sinh nở. Và đến lúc đau đẻ, họ cầu xin Heket cho lâm bồn và chứng cho họ vượt cạn. Về mặt này nàng cũng như nữ thần Nebet Hut. Một lần nữa, Khnum lại chọn đúng – người vợ cộng sự này đã phả hơi thở cho con người để sự sáng tạo của Khnum dẫn đến sự sống thực sự.

Và ở thành phố Ta-senet, bên cạnh Nit, Khnum còn có hai người vợ khác: Menhit và Nebtu. Menhit là một nữ thần chiến tranh đầu sư tử, trông gần giống nữ thần Sekhmet giận dữ.

Nhưng bà đi trên hai chân và phát ra ánh sáng nóng bỏng. Bà tỏa ra vầng hào quang trắng, như đồ gốm làm từ macnơ.

CCI18122015_0136

Nebtu, trái lại, là nữ thần của một ốc đảo sa mạc kề bên – bản sao bằng nước của Menhit. Nàng mặc màu đỏ, giống như đồ gốm làm từ phù sa. Chuyện cứ như Khnum đã tạo ra hai người vợ này từ cùng một thứ đất sét thần dùng để tạo ra con người, ở bên họ thần cảm thây thích thú về thành quả của mình.

Vì thế Khnum khá bận rộn, thần luôn phải lo sao giữ cho họ vui vẻ. Thần tuyên bố mình là vị nam thần sinh sản và tự gọi mình là Min. Thần có sức khỏe và sức mạnh như cừu đực. Thần xuất hiện giống như một cừu đực, hay như một người có đầu cừu đực hoặc mang sừng cừu đực. Dù với hình hài nào, thần luôn sẵn sàng làm cho các vợ mình thích thú.

Tuy nhiên, về nhiều mặt Nit là người vợ quan trọng nhất của thần. Hai người gần như là hai khía cạnh nam tính và nữ tính của cùng một vị thần. Giống như Nit, Khnum đã có ở đấy ngay từ ban đầu, và giống như Nit, Khnum là một khía cạnh của nhiều vị thần. Qua công việc với Satet, Khnum là thần sông Nile. Qua công việc với Heket, thần là một vị thần không khí, giống như Shu. Và vì thần là một thợ gốm, thần đã tạo ra sự sống, giống như Ra. Thực tế, khi Ra tạo ra mọi vật chất, nhiều người tưởng rằng thần đã làm việc đó dưới hình hài của Khnum. Họ nói về Khnum-Ra. Có lẽ chính Khnum-Ra đã khóc vì sung sướng trong ngày dài ấy, khi các con bị lạc của thần, Shu và Tefnut cuối cùng đã trở về. Có lẽ những giọt nước mắt của Khnum-Ra đã trộn với đất sét để tạo nên những con người đầu tiên. Có lẽ chuyện về Khnum và chuyện về Ra chỉ là một.

Xem đầy đủ hơn về Thần thoại Ai Cập: >click here<

Thần Thoại Ai Cập – NXB Kim Đồng

Dựa theo: Treasury of Egyptian Mythology
Classic Stories of Gods, Goddesses, monsters & mortals – Donna Jo Napoli

Minh họa: Christina Balit

 

Rate this post

(4.64★ | 1438 Đánh giá)
TÀI TRỢ

Bạn cũng có thể thích Thêm từ tác giả

Để lại một trả lời