Thần Thoại Bắc Âu – Þórr

0 339
Þórr
Thần Þórr – Khuyết danh

Các tên khác: Thórr, Thor (tiếng Bắc Âu); Donar/Þonar (tiếng German); Thunaer, Thunær, Thunor, hoặc Thonar (tiếng Saxon); Ása-Þórr (“Þórr of the Æsir”); Öku-Þor (“driving-Þórr”); Chariot-Tyr (“chariot-god”); Ásabragr, Atli, Björn, Einriði/Eindriði, Ennilangr, Harðvéurr, Hlóriði/Hlórriði, Rymr, Sönnungr, Véurr, Vingþórr (“battle- Þórr”).

Thần sấm chớp và điều khiển thời tiết trên các thế giới. Þórr là con trai của Óðinn với nữ thần Đất Jörð (Fjörgyn hoặc Hlódyn). Trong Hárbarðsljóð thuộc tập Poetic Edda, Þórr nói với Hárbarðr (thực chất là Óðinn cải trang thành người chở phà) rằng thần có một người em trai tên là Meili.

Þórr nắm tay Þrúðr, khi ánh nắng tràn vào lâu đài biến Alvíss thành đá (1908) - tranh của W.G. Collingwood
Þórr nắm tay Þrúðr, khi ánh nắng tràn vào lâu đài biến Alvíss thành đá (1908) – tranh của W.G. Collingwood

Þórr kết hôn với Sif – nữ thần tóc vàng, và có một người con gái – Þrúðr. Trong bài thơAlvíssmál, Þórr đã lừa người lùn Alvíss biến thành đá do không muốn gả Þrúðr cho tên này. Với người khổng lồ Járnsaxa (Iarnsaxa, “búa sắt”), Þórr có hai con trai là Magni và Móði. Có thuyết cho rằng Móði là con của Þórr với một người vợ vô danh khác.

Þórr trên cỗ xe dê kéo (1882) - tranh của Carl Emil Doepler
Þórr trên cỗ xe dê kéo (1882) – tranh của Carl Emil Doepler

Þórr cư ngụ tại lâu đài Bilskirnir (“tia chớp”) có 540 phòng, nằm trên cánh đồng Þrúðvangr tại Þrúðheimr – “vùng đất của sức mạnh”. Biểu tượng của thần là một hình chữ thập ngoặc. Þórr có một cỗ xe do hai con dê – Tanngrisnir và Tanngnjóstr, kéo, vì thế còn được gọi là Öku-Þor.

Þórr và Hrungnir (1882) - tranh của Carl Emil Doepler
Þórr và Hrungnir (1882) – tranh của Carl Emil Doepler

Þórr có hai người hầu cận là Þjálfi and Röskva – con trai và con gái của người nông dân Egil, người đã từng đón tiếp Þórr và Loki. Þjálfi thường xuyên xuất hiện, có góp mặt trong thần thoại về Hrungnir.

Þórr thường được miêu tả là một người đàn ông tóc đỏ, râu đỏ, ánh mắt sắc lạnh, to lớn, mạnh mẽ với cây búa chiến trận đầy quyền lực Mjölnir mà thần dùng để tạo ra những tia chớp. Mjölnir – biểu tượng của tia chớp, là một vũ khí mạnh có thể dùng để ném vào kẻ thù, sau đó cái búa luôn trở về tay người ném, có lẽ vì thần đeo đôi găng tay có phép màu. Hai người lùn sinh đôi – Brokkr và Eitri, đã làm ra Mjölnir.

Þórr đấu với lũ khổng lồ (1872) - tranh của Mårten Eskil Winge
Þórr đấu với lũ khổng lồ (1872) – tranh của Mårten Eskil Winge

Điều khiến Þórr gần như bất khả chiến bại là thần còn đeo Megingjörð (đai lưng sức mạnh) để trợ giúp cho nguồn sức mạnh vốn đã to lớn của mình. Chiếc đai lưng này do người khổng lồ Gríðr cho Þórr khi tên khổng lồ Geirröð đánh cắp Mjölnir. Gríðr còn cho Þórr đôi găng tay sắt và cây trượng Gríðarvölr không bẻ gãy được.

Þórr là người mạnh nhất trong các vị thần, và thần là chiến binh vĩ đại nhất của họ, biểu tượng cho sự kết hợp giữa trời và đất; bảo vệ cho các vị thần và con người khỏi các thế lực ma quỷ. Kẻ thù chính của thần là lũ khổng lồ đến từ Jötunheimr. Những câu chuyện về Þórr thường kể về việc thần giết tên khổng lồ này hoặc tên khổng lồ kia trong rất nhiều cuộc phiêu lưu, ví như lần cây búa Mjölnir bị đánh cắp, khiến Þórr phải cải trang thành nữ thần Freyja và cùng với Loki đi đến chỗ của vua khổng lồ Þrymr ở Jötunheimrđể lấy lại (câu chuyện này cũng minh chứng cho sức ăn khủng khiếp của Þórr); hay khi Þórr và Týr đến mượn chiếc vạc của người khổng lồ Hymir.

Þórr đấu với con rắn ở Miðgarðr (1882) - tranh của Carl Emil Doepler
Þórr đấu với con rắn ở Miðgarðr (1882) – tranh của Carl Emil Doepler

Kẻ thù mạnh nhất của Þórr là Jörmungandr, thường được gọi là Con rắn ở Miðgarðr. Thần đã thất bại trong việc giết Jörmungandr trong một cuộc chạm trán trước đó. Trong trận chiến cuối cùng của các vị thần (Ragnarök), Þórr và Jörmungandr sẽ giết lẫn nhau.

Cái chết của Þórr và Jörmungandr (theo Völuspá, 1895) - tranh của Lorenz Frølich
Cái chết của Þórr và Jörmungandr (theo Völuspá, 1895) – tranh của Lorenz Frølich

Þórr được nhiều người thờ phụng hơn cả Óðinn, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, vì khác với Óðinn, thần không yêu cầu phải hiến tế bằng con người. Những tấm bùa hộ mạng có hình cây búa – biểu tượng của Þórr, được người dân đeo trên cổ, ngay cả khi vùng Scandinavia đã cải sang Thiên chúa giáo. Một số khuôn đúc thời ấy còn mang cả biểu tượng cây búa và chữ thập ngoặc cạnh nhau. Tượng của Þórr được đặt ở vị trí trung tâm trong đền thờ lớn ở Uppsala, còn tượng Óðinn đứng bên tay phải thần (đền thờ này được thay thế bởi một nhà thờ Thiên Chúa giáo vào năm 1080). Và vì Þórr là thần sấm chớp nên thần có nhiều điểm tương tự với vị thần của người La Mã – Jupiter hoặc Jove (Zeus). Þórr còn được so sánh với Hercules – vị thần sức mạnh trong thần thoại Hy Lạp. Ngày thứ Năm (Thursday) được đặt theo tên Þórr hoặc Thunor, cũng tương ứng với ngày của Jove. Thứ Năm còn là ngày thường dùng để tổ chức đám cưới, vì người ta tin rằng Þórr sẽ ban phúc cho đám cưới bằng cây búa của mình.

Þórr (1901) - tranh của Johannes Gehrts
Þórr (1901) – tranh của Johannes Gehrts

Snorri đã có một sự so sánh kì lạ khi đồng nhất Þórr với Hector – người anh hùng thành Troy. Giống như Hector là chiến binh vô địch của những người thành Troy, Þórr cũng là chiến binh vô địch của các thần Æsir.

Nguồn bài viết: thanthoaibacau.info

Rate this post

(4.79★ | 1308 Đánh giá)
TÀI TRỢ

Bạn cũng có thể thích Thêm từ tác giả

Để lại một trả lời