8 of Swords – “Khư khư mình buộc lấy mình vào trong”

0 3.717

Trước khi tham gia một khóa thiền, mình đã rút bài hỏi mình sẽ như thế nào trong suốt 10 ngày tu tập? Lá bài 8 of Swords xuất hiện. Mình nhìn lá bài và luận giải một cách máy móc: hẳn là sự rối reng khi tâm trí bị dao động bởi quá nhiều luồng suy nghĩ.

Sau 10 ngày cô lập bản thân trong thiền đường, không liên lạc, không trò chuyện, không giải trí, không có bất kì hình thức thu nạp tri thức mới, mình bỗng nhận ra tâm trí mình đang bị bủa vây bởi rất nhiều ý niệm mơ hồ, thiếu nhất quán, giằng xé và kèm theo đó là nỗi sợ không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mình trải nghiệm những hiện tượng mà, sau khi mình kể cho bác sĩ tâm thần nghe, thì được bảo rằng đấy là các dấu hiệu của rối loạn phân li. Ngồi trong đấy, có rất nhiều tiếng nói tranh giành ưu thế, chúng phán xét nhau, tranh luận lí lẽ. Đằng sau mỗi nhận định nào đó, luôn là động cơ đến từ việc muốn bám rịt, giữ chắc, kiểm soát những gì là của-cái-tôi-này.

Trên hết, vì trải nghiệm trạng thái phân rã, mình dấy nên nỗi sợ mãnh liệt về sự thật rằng chẳng có cái tôi nào ở đây cả, chẳng có gì là chắc chắn cho mình bám víu cả, mình sẽ chẳng thể kiểm soát được gì kể cả cái thân chắc đặc này. Khi nhận diện được nỗi sợ đấy, mình bắt đầu có ham muốn tìm kiếm thêm nhiều hơn nữa, những kiến thức, lý luận hay bất kì giải pháp gì cho hiện tượng mà mình đang gặp phải. Nhưng không thể, vì nội quy trường thiền là không giao tiếp với bất kì ai trong suốt 10 ngày tu tập. Nên nhờ vậy, mình tiếp tục lặng im quan sát toàn bộ những giằng co xảy ra trong tâm trí.

Mình bỗng hiểu được lá bài 8 of Swords, trên mức độ trải nghiệm sâu sắc. Rằng mình đã không chấp nhận được những gì đang diễn ra, không chịu chấp nhận mọi thứ vốn đang là, không thể chịu đựng nổi khi nhận ra những vùng mù mờ-trống rỗng-hư vô trong tâm trí. Nói ngắn gọn là mình không chịu chấp nhận là mình có giới hạn, không chịu chấp nhận là có những điều mình sẽ chẳng biết đến, chẳng kiểm soát được. Và do đó, mình cảm thấy khổ sở, đau đớn kinh khủng. Những ngày trong đấy như là cực hình, vì mình phải sống với toàn bộ những ương bướng, cố chấp bủa vây không thể xóa bỏ. Mình tự trói buộc bản thân trong quá nhiều định kiến, chuẩn mực, vì chúng nó có vẻ bền vững và an toàn – nhưng lâu dần sẽ khiến mình cảm thấy bị tù đày, đóng khung trong chính những rập khuôn đấy.

Do đó, khi được trải nghiệm một trạng thái vượt thoát và tự do hơn, tâm trí với thói quen cố hữu là bám chấp những điều quen thuộc, cảm thấy sợ hãi và co rúm ró. Trong lúc cơ thể bị phân rã, bồng bềnh và bay lơ lửng, tâm trí hoảng loạn tìm kiếm một điểm bấu víu “Này, hẳn phải có một sợi dây kéo mình lại như chiếc diều chứ?”.

Lúc này thì mình hiểu thấu đáo những gì bác Rachel Pollack viết trong cuốn 78 Độ Minh Triết

“Tự do bắt đầu khi chúng ta ném đi dải bịt mắt, khi thấy rõ mình đã đạt đến đâu trong bất kì tình huống nào”

Và đôi dòng của Alejandro Jodorowsky trong cuốn sách The Way of Tarot: The Spiritual Teacher in the Cards

“Khi muốn đọc mặt tiêu cực của lá bài này, chúng ta hãy nhìn nhận nó như một chướng ngại tri thức, tất cả những căn bệnh gây ảnh hưởng đến nhận thức từ sự hôn mê cho đến căn bệnh mất trí nhớ hay rối loạn ngôn ngữ; sợ hãi sự hư vô hay sợ sự trống rỗng, tình trạng lơ mơ choáng váng.”

Và nhớ đến đôi câu Truyện Kiều

“Đã mang lấy một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng
Ma đưa lối, quỷ đưa đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”

Nỗi đau này, là do cái tôi này, là do sự vô minh, là do sự bám víu, là do sự sợ hãi. Và cuối cùng là do ham muốn chối bỏ/thoát ra thực nhanh hiện tại bất ưng, vì vừa khi nhận ra ngột ngạt và bức bí thì liền cảm thấy khó chịu, mà không thể bình tĩnh kiên nhẫn bước qua từng thử thách trong đời.

Mèo Con

Rate this post

(4.79★ | 1588 Đánh giá)
TÀI TRỢ

Bạn cũng có thể thích Thêm từ tác giả

Để lại một trả lời