Bốn Con Ách Trong Bộ Tiểu Bí Mật: Mỗi Con Tốt Đẹp Một Kiểu

4.957

Tiếp theo bài 11: Một Lèo Hết 40 Lá Tiểu Bí Mật

Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu 4 con Ách (Ace) trong bộ Tiểu Bí Mật.

Khi đã đi đến bộ Tiểu Bí Mật, chúng ta thấy bài Tarot có hai trường phái hình họa khác nhau. Trường phái thứ nhất ra đời ngay khi bộ bài được hoàn thiện vào khoảng thế kỷ 15 tại Ý, từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn Ai Cập cổ đại, một số điển tích tôn giáo thế giới. Hai gia đình danh giá của Ý lúc đó là Sforza và Visconti đã nhờ một họa sĩ thiết kế ra bộ bài tarot đầu tiên, trong đó tất cả các lá Tiểu Bí Mật đều được phân loại theo: Gậy (lửa), Chén (nước), Kiếm (khí) và Đồng Tiền (đất). Ví dụ 2 rô sẽ là hình 2 đồng tiền, 8 bích sẽ là 8 cây kiếm. Bộ bài Tarot de Marseille nổi tiếng nhất thế giới cũng được vẽ theo đúng như vậy.

la-7-ro
Lá 7 Rô có hình 7 đồng tiền
la-10-chuon
Lá 10 Chuồn có hình 10 cây gậy

Đến năm 1909, A.E. Waite, một học giả người Anh theo giáo phái Golden Dawn, đã nhờ họa sĩ Pamela Coleman Smith họa giúp các ý nghĩa của từng lá bài theo vũ trụ quan của ông (và cũng một phần ảnh hưởng của trường phái Golden Dawn). Đáng kể nhất là việc ông đã cho vẽ ra hẳn thành một bức tranh cảnh vật-con người cho từng lá Tiểu Bí Mật, để mọi thứ không còn “bí mật” nữa mà hoàn toàn có thể giao tiếp bằng các hình ảnh có sức gợi tới tiềm thức của người xem bói. 40 lá Tiểu Bí Mật do vậy trở nên gần gũi, dễ thuộc hơn, như hình cắt ra từ một bộ phim của cuộc sống đời thường.

Bài Tarot đã làm một cuộc cách mạng dân chủ, mang Tarot gần gũi hơn với mọi người, nhưng nó cũng vấp phải không ít lời chỉ trích. Golden Dawn là một hội kín với những phép thuật và thứ bậc để thực hành phép thuật. Có rất nhiều hội kín như vậy trên thế giới, và từ rất lâu họ đã dùng bài Tarot như một công cụ để giao tiếp với vũ trụ, thiền định, và thực hiện phép thuật chúc lành, cầu nguyện, chữa bệnh… Việc vẽ hẳn những bức tranh quá “trực quan sinh động” như A.E. Waite làm mất đi tính ảo bí của những hình ảnh biểu tượng vốn có từ thời Sforza-Visconti, và trở nên “rối rắm, chia trí” khi trải bài trong lúc làm pháp thuật. Lấy ví dụ, bốn nguyên tố trong bài tarot, đất-nước-lửa-khí, trong đạo Qabalah chính là bốn thế giới, và họ dùng tarot để trải 4 thế giới này thành 10 tụ theo các vị trí Sephiroth trên cây đời để thiền định, để phóng tú (astral projection – một dạng thả hồn bay chín tầng mây để tìm đến các tầng của vũ trụ và tu tập với các vị minh sư tồn tại ở dạng siêu hình…) Nếu dùng các hình ảnh quá đời thường, dân dã của A.E. Waite, e rằng tính thần thánh của biểu tượng gốc sẽ bị ảnh hưởng.

bo-tieu-bi-mat
Bộ bài Visconti-Sforza có bộ Tiểu Bí Mật hoàn toàn bằng những hình vẽ ước lệ: gậy, chén, kiếm, đồng tiền. Chúng ta thấy 3 lá từ trái sáng: 3 cơ – 4 kiếm – Quỷ Dữ

Từ 1909 đến nay, do tính thương mại của bài Tarot-có-hình-ảnh, đã có hàng trăm ngàn bộ bài Tarot được vẽ theo rất nhiều kiểu khác nhau, phần lớn các lá bài vẫn còn giữ được các biểu tượng chính trong bộ Rider Waite. Bạn hãy tưởng tượng giống như tên và ý nghĩa của lá bài chính là bảng chữ cái, không thể thay đổi, nhưng người ta có thể dùng nhiều font chữ khác nhau để viết chữ, cũng giống như dùng nhiều hình vẽ khác nhau để minh họa cho cùng một lá bài. Rider Waite từ đó trở thành bộ bài chuẩn quán quân tất cả các bộ bài: các quyển sách viết về Tarot đều lấy đây làm ví dụ chuẩn, và người học vỡ lòng cũng lấy Rider Waite ra để bắt đầu.

Để học cho chắc bộ Tiểu Bí Mật, bạn nên có một bộ Rider Waite Tarot để đọc kèm các bài viết của tôi nhé! Đến đây thì tôi xin phép được dùng song song chữ cơ-rô-chuồn-bích trong các bài viết trước khi phải giới thiệu cho đơn giản dễ hiểu bộ Tiểu Bí Mật, và dùng kèm với lửa-nước-khí-đất, theo đúng thứ tự tôi vừa viết, để chúng ta luôn hiểu lửa là chuồn, nước là cơ, khí là bích, đất là rô. Hình minh họa cũng sẽ dùng hoàn toàn bộ Rider Waite. Dùng bộ này, tôi xin khuyến khích các bạn ngoài việc suy gẫm về ý nghĩa chính thức của từng lá bài – mà tôi với bạn đều đang dùng một gốc chuẩn, chúng ta cũng nên kích hoạt cả trí tưởng tượng, liên tưởng của mình khi đặt các lá sát nhau, để khám phá thêm một tầng nghĩa mới hết sức cá nhân và mang tính nghiệm lý, tịnh quán nội tại.

Nào chúng ta cùng khám phá 4 lá khởi đầu, bốn con ách, bốn số 1 của Tiểu Bí Mật: 1 Lửa – 1 Nước – 1 Khí – 1 Đất.

Con Ách Lửa / Ách Chuồn (Ace of Wands)

ace-of-wands
Ách Chuồn với bàn tay cầm một cành có lá sum suê

Hình ảnh một cây gậy được một bàn tay cầm đưa ra từ trong đám mây như thể hiện năng lượng thuần khiết nhất của lửa là do Thượng Đế trao ban. Cây gậy tươi tốt với nhiều lá cành tượng trưng cho món quà của sức mạnh, quyền lực, sự yêu đời, thăng hoa, thậm chí cả năng lượng tình dục mạnh mẽ.

Không gì tốt hơn khi rút được con ách chuồn cho những khởi đầu mới mẻ, đặc biệt là trong công việc, vì các bạn chắc cũng còn nhớ bộ lửa tượng trưng cho lý tưởng, cho công việc, đam mê, sự nhiệt tình. Các con ách luôn là “yes”, là sự khẳng định đoan chắc. Và năng lượng của con ách mạnh mẽ đến mức nó gần như ngang bằng với năng lượng của bộ Đại Bí Mật, và đều là dạng năng lượng không thể do người (nhân định) tạo ra. Rút con ách để khiêm cung đón nhận một ơn chúc lành, hơn là một thành công chúng ta có thể tự tạo ra được.

Con Ách Nước / Ách Cơ (Ace of Cups)

ach-co
Ách Cơ có bàn tay cầm chén thánh tuôn trào

Lại là hình ảnh một bàn tay đưa ra từ đám mây (ơn chúc lành ban xuống), với đại diện của bộ nước chính là cái chén. Hình ảnh của Rider-Waite đặc biệt nhắc nhớ đến chén thánh, chim bồ câu tượng trưng cho Ngôi Ba Chúa Thánh Thần, ngậm một miếng bánh không men tượng trưng cho bánh thánh trong bữa tiệc ly cuối cùng của Ngôi Hai Chúa Jesus, và dòng nước tuôn trào từ chén thánh như là sự hân hoan của tình yêu mà các đấng thiêng liêng dành cho loài người. Ách Cơ nói ngắn gọn, chính là tượng trưng cho tình yêu.

Nếu Ách Chuồn là lửa để “khẩn hoang” thế giới, thì Ách Cơ chính là nước để tưới tắm nuôi dưỡng thế giới này, mang đến giá trị đích thực cho cuộc sống. Một cái động (lửa), một cái tĩnh (nước), chúng ta đã có 2 nguyên tố khắc nhau nhưng cần thiết để bổ khuyết cho nhau để phát triển thế giới này. Khi rút Ách Cơ, lúc nào cũng là một sự chúc lành về mặt tình cảm, dặn ta phải mở lòng ra để đón nhận.

Con Ách Khí / Ách Bích (Ace of Swords)

ace-of-sword
Ách Bích với bàn tay cầm thanh gươm có đeo vương miện

Bàn tay chìa ra khỏi đám mây lần này cầm một thanh gươm trên có vương miện và vòng nguyệt quế. Thanh gươm chĩa thẳng lên trời thành một đường vuông khẳng khái. Rất nhiều lá Tiểu Bí Mật trong bộ kiếm chứa chất nhiều đau đớn, buồn bã, nhưng 4 con ách đều là năng lượng khởi đầu, lành thánh và thuần khiết nhất. Ý nghĩa duy nhất của Ách Bích do vậy chính là sự khai sáng, một lý tính trong trẻo xuyên thủng màn u minh và có sức lay chuyển bởi chính sự chân thật mà nó đại diện.

Đôi khi bộ nước lâm vào tình trạng cảm tính, thụ động, nên sự hiện diện của Ách Bích ngay sau Ách Cơ thể hiện sự trưởng thành của ý chí sau tất cả những cảm xúc dào dạt ban đầu. Gặp Ách Bích, nên mừng vì chính sự quyết đoán, văn minh, và lý tính của mình đang hiện hữu để bảo vệ cho những câu chuyện chúng ta đang thắc mắc hỏi bài.

Con Ách Đất / Ách Rô (Ace of Pentacles)

ace-of-pentacles
Ách Rô với bàn tay cầm một đồng tiền

Món quà của đất (cũng được trao tặng từ đám mây!): thiên nhiên, sự trù phú, phồn thịnh, an toàn, một cuộc sống tươi vui. Có thể nói đây là con bài tốt nhất trong bộ Tiểu Bí Mật, vì những ước hẹn của nó có liên quan trực tiếp đến vật chất của con người. Đất đại diện cho vật chất, tiền bạc, bất động sản, giấy tờ đã được ký tá… Ách Rô chính là điểm cuối cùng của 4 con ách, từ một tia sáng (ách Chuồn) đến suối nguồn yêu thương, phát triển thành sự thật và sự nhận thức (ách bích) và cuối cùng tựu thành những dạng vật chất hữu hình và tốt đẹp.

Kay Nguyễn – Soi.today

***

Loạt bài về tarot của cô Kay

Bài 1 – Cỗ bài Tarot: Không phải của các mụ già gypsy trùm khăn kín mít 

Bài 2 – Đại Bí Mật: Gã Khờ gặp Nhà Ảo Thuật và Nữ Tư Tế

Bài 3 – Bộ ba quyền lực trong Tarot: Nữ Hoàng, Hoàng Đế, Thầy Tư Tế

Bài 5 –  Khôn như Sức Mạnh và bình tĩnh như Kẻ Ẩn Dật 

Bài 6 – Vận Xa và Công Lý: một vui, một lo

Bài 7 – Người Treo và Tử Thần: trông rất gớm mà không đến nỗi ghê 

Bài 8 – Tiết Chế và Quỷ Dữ: Bốc được đều đau cái đầu

Bài 9 – Từ Tòa Tháp đến Thái Âm: trùng trùng nguy hiểm và khó đoán

Bài 10 – Kết thúc bộ Đại Bí Mật: mỹ mãn là Thế Giới

Bài 11 – Một lèo hết 40 lá Tiểu Bí Mật 

Bài 12 – Bốn Con Ách Trong Bộ Tiểu Bí Mật:  Mỗi Con Tốt Đẹp Một Kiểu

Bài 13 – Bốn Con Hai: Gặp Gỡ Hay Phân Chia?

Bài 14 – Bốn Con Ba: Tụ Tập và Phát Triển

Bài 15 – Bốn Con Bốn: Từ Ngao Ngán Đến Nghỉ Ngơi

Bài 16 – Bốn Con Năm Trong Tarot: Áp Đặt và Mâu Thuẫn

Rate this post

(4.79★ | 1492 Đánh giá)
TÀI TRỢ

Bạn cũng có thể thích Thêm từ tác giả

Được đóng lại.