Lược Sử Về Trà Và Thuật Bói Lá Trà

0 6.192

Lược Sử Về Trà Và Thuật Bói Lá Trà

Lược Sử Về Trà Và Thuật Bói Lá Trà 1
Thuật bói trà

Việc uống trà và nghệ thuật đọc lá trà để dự đoán tương lai gắn bó với nhau đến mức nói đến thứ này thì không thể không nhắc đến thứ kia. Thuật bói lá trà (còn được gọi là tasseomancy hoặc tasseography, tasseo trong tiếng Pháp có nghĩa là cái tách) là một kiểu bói đất. Đây là hình thức bói lâu đời nhất và được thực hiện từ khi người tiền sử lần đầu đặt chân lên hành tinh này. Đó là thuật dự đoán tương lai từ những vật thể tự nhiên được tìm thấy trên trái đất như gậy, cát, sỏi, vỏ sò và những hình vẽ chúng tạo ra trong những điều kiện cụ thể, chẳng hạn như bị gió cuốn hay bị nước rửa trôi.

Những sự kiện khám phá về trà chưa bao giờ được xây dựng một cách chắc chắn, nhưng những câu chuyện hoa mĩ mô tả nguồn gốc của nó thì vô số. Theo thần thoại Trung Hoa, cha, hay trà, được Thần Nông khám phá ra, ông là vị vua thứ hai của Trung Quốc vào thời Tam Hoàng. Con trai của công chúa An Đăng và một con rồng nhà trời, Thần Nông, còn được gọi là Thần Y, được cho là trị vì từ năm 2337 đến 2679 TCN. Thần Nông, có mình người đầu bò, một đêm đang dùng bữa tối thì lá cây trà bỗng rơi vào vạc nước sôi trước mặt ông. Thần Nông coi đó là điềm báo và để mặc cho lá trà ở trong nước nóng. Chúng tạo nên một loại nước cất có mùi thơm khiến Thần Nông phấn chấn khi uống. Ông hào hứng với khám phá mới và khuyến khích người dân dùng loại đồ uống mới mẻ này. Họ bị hấp dẫn bởi hương vị và việc uống trà trở nên phổ biến từ đó.

Vào thế kỉ thứ 6, việc uống trà được du nhập vào Nhật Bản từ các sư thầy Phật giáo. Thiền Tông cho rằng căn nguyên sự xuất hiện của trà tại Trung Quốc là nhờ Bồ Đề Đạt Ma, một hoàng tử Ấn Độ sau này trở thành Phật đã du hành đến Trung Quốc vào thế kỉ thứ 5 để truyền bá giáo lý của Phật Thích Ca. Bồ Đề Đạt Ma đã quyết tâm ngồi quay mặt vào vách đá thực hành thiền định, trong suốt chín năm liền. Không may là, ngài đã ngủ trong khi thiền định, vì quá nhục nhã, ngài đã giật mí mắt của mình rồi ném xuống đất. Chúng lập tức mọc rễ thành cây trà, lá cây này khi được ngâm trong nước nóng, sẽ tiết ra chất xua đi cơn buồn ngủ.

Từ loại nước cất chữa bệnh đến đồ uống phổ biến vô giá

Chẳng bao lâu sau, các thầy lang cổ đại đã khám phá ra các dược tính của trà mà qua đó chúng mang lại năng lượng vô cùng to lớn. Họ dùng trà có nồng độ khác nhau làm thức uống chữa các bệnh từ cảm lạnh, thị lực yếu, đến nghiện rượu, và tán nhỏ chúng thành bột nhão để chữa thấp khớp, các bệnh về phế quản và các vết thương nhỏ. Các Đạo sĩ thậm chí còn dùng trà làm nguyên liệu chế “thuốc trường sinh bất lão”.

Hầu hết các thầy lang thời cổ đại ở Trung Quốc cũng đồng thời là thầy pháp. Những thầy lang-thầy pháp này tin rằng các hình thù do lá trà hình thành trong bát hoặc tách sau khi bệnh nhân uống phản ánh những hình ảnh tương tự như những gì đang tồn tại trong cõi trung giới, tiên đoán tương lai của người bệnh và sẽ thông báo cho thầy lang liệu người đó sẽ sống hay chết. Những thầy lang này tinh thông việc đọc lá trà như tinh thông việc chữa bệnh vậy. Họ nhiệt tâm bảo vệ bí mật của mình, thường chỉ truyền lại khi hấp hối cho người con trai hoặc con gái đã chọn lựa từ trước.

Sự sùng bái trà và những tính chất huyền bí của nó trở nên vĩ đại đến mức trà được dùng để dự báo mọi thứ từ việc thành bại của một vương triều đến kết cục của một trận đánh, từ việc sắp đặt hôn nhân cho đến danh tính của đứa trẻ chưa chào đời. Các diễn giải thô sơ, và thường là do đặc tính của lá trà, của những thầy lang bí ẩn thời xưa nhanh chóng bị trôi vào dĩ vãng, và thuật bói trà trở thành một loại hình nghệ thuật được các học giả và các nhà tâm linh nghiên cứu. Khi những học giả và nhà tâm linh này thực hành giải trà, họ đã phát triển ý nghĩa của các biểu tượng và nhiều phương pháp khác nhau để từ đó chúng ta bói lá trà như ngày nay.

Trải qua nhiều năm, trà ít được dùng làm dược liệu hơn và dần trở thành thức uống phổ biến, và đến đời Đường, uống trà và thử trà đã được nâng lên thành nghệ thuật. Tuy nhiên, chỉ đến thời vua Tống Huy Tông (trị vì từ 1101-1124) thì uống trà mới đạt đến độ thăng hoa. Vua Huy Tông đã tổ chức nhiều cuộc thi đấu để các cận thần tranh tài phân biệt càng nhiều loại trà khác nhau càng tốt với những giải thưởng quý giá dành cho người thắng cuộc. Trà được đánh giá cao hơn cả đất đai, và các tướng lĩnh thắng trận trở về đều chọn trà ngon làm phần thưởng thay cho đất đai.

Trà được hình thành tên gọi như thế nào

Ban đầu, truyền thuyết Trung Hoa gọi trà là cha. Nó được phát âm là “chah” trong tiếng Quảng Đông và “tay” trong phương ngữ Hạ Môn. “Tay” đã trở thành từ phát sinh cho từ Tiếng Anh “tea”. “Chah” là từ được sử dụng ở Nhật Bản, Ấn Độ, Ba Tư và Nga. Các binh lính trở về Anh sau khi thực hiện nghĩa vụ ở Ấn Độ thường gọi trà là “chah”. Không lâu sau chah được đưa vào tiếng lóng Anh ngữ là “char”, và hàng triệu người Anh vẫn gọi uống trà là “uống một tách char”.

Trà chu du khắp thế giới

Người ta tin rằng, trà được trồng lần đầu tiên ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, vào khoảng năm 350 TCN. Việc trồng trà sau đó lan rộng dọc theo thung lũng sông Dương Tử đến Biển Hoa Đông. Đến thế kỉ thứ 7 và 8, Trung Quốc đã trở thành đế quốc lớn nhất trên trái đất, và trà được giao dịch thường xuyên với Turkestan, Mông Cổ, Ba Tư, Xiêm La, Miến Điện, Tây Tạng, Xiri và Ả Rập. Tuy nhiên, chỉ đến gần cuối đời Minh (1368-1644) thì các thương nhân đường biển phương Tây mới xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc.

Năm 1557, người Bồ Đào Nha đã thiết lập trạm giao thương với Trung Quốc ở Macao, là nơi trà trở thành thức uống phổ biến trong triều đình Bồ Đào Nha. Vì Bồ Đào Nha độc quyền buôn bán trà với Trung Quốc, nên Hà Lan đã lập các đồn điền trà ở Java, Indonesia vào năm 1606, và bốn năm sau bắt đầu nhập khẩu trà vào Châu Âu. Uống trà trở nên rất thịnh hành ở thủ đô Hague vào năm 1604, và đến năm 1650 thống đốc Peter Stuyvesant đã mang trà đến Bắc Mỹ.

Tháng 05/1662, vua Charles đệ nhị của nước Anh đã kết hôn với công chúa Bồ Đào Nha, Catherine de Braganza. Hoàng hậu đã giới thiệu thói quen uống trà vào triều đình hoàng gia Anh, và ngay lập tức, nó trở nên cực kỳ được ưa chuộng, nhưng nguồn cung rất khan hiếm. Bồ Đào Nha thì độc quyền với Trung Quốc còn công ty Đông Ấn Hà Lan lại độc quyền với Java. Năm 1664, Công ty Đông Ấn của Anh, do muốn lấy lòng vua Charles đệ nhị đã dâng tặng ngài trà làm quà, chỉ để mua được 2 pao 2 ao-xơ (khoảng 0,96 kg) mà đã tốn 85 đồng xi-linh, một món tiền cắt cổ vào thời đó. Một phần vì điều này, công ty Đông Ấn của Anh đã quyết định phá vỡ thế độc quyền của Bồ Đào Nha với Trung Quốc và mua trà trực tiếp từ người Trung Quốc.

Mặc dù Peter Stuyvesant đã mang trà đến Bắc Mỹ vào năm 1650, nhưng phải mất gần 100 năm nữa nó mới phổ biến vì nguồn cung eo hẹp và giá cả đắt đỏ. Nước Anh cũng không cho phép thuộc địa Mỹ mua trà trực tiếp từ Trung Quốc. Công ty Đông Ấn của Anh, vốn độc quyền buôn bán trà vào nước Anh đã mang trà đến Luân Đôn, nơi nó bị đánh thuế rất nặng, rồi mới chuyển đến Mỹ. Dân Mỹ thuộc địa cuối cùng đã từ chối đóng thuế này và đã cấm dỡ ba chuyến hàng là trà đã đánh thuế, buộc tàu rời khỏi cảng Boston. Vào ngày 16/12/1773, trong đêm đen, khoảng 200 người, nhiều người ăn mặc như dân Anh Điêng, đã lên tàu hò reo la hét và phá hủy trà bằng cách ném bỏ xuống cảng Boston. Hành động này được coi là Tiệc trà Boston và châm ngòi cho hàng loạt sự kiện dẫn đến độc lập của nước Mỹ trước Đế quốc Anh.

Ban đầu, những chiếc tàu chậm chạp, cồng kềnh được dùng để vận chuyển loại hàng quý giá này, thường mất đến 18 tháng mới xong cuộc hành trình. Khi đến nơi trà thường không còn ngon và bị hỏng. Những chuyến đi khá may rủi bởi luôn bị cướp biển đe dọa còn những con tàu chậm chạp thì không thể chạy thoát chúng. Nhiều tàu cải tiến mới do người Mỹ thiết kế đã được đóng ở các xưởng tàu New York; tàu Houqua năm 1844 và Rainbow năm 1845. Đây là những chiếc thuyền buồm chạy nhanh, mẫu mã đẹp, đã mở ra kỉ nguyên của những chiếc Thuyền Trà Trung Hoa lãng mạn. Quả thực, Rainbow nhanh đến nỗi nó là chiếc thuyền đầu tiên mang về tin tức cho New York về chuyến đi đến Canton.

Nước Anh nhanh chóng cũng tự đóng thuyền buồm và thúc đẩy cạnh tranh giữa những chiếc thuyền của hai nước. Các thuyền buôn trà sẽ bốc hàng ở Phúc Châu, Trung Quốc, bến cảng quen thuộc cho những vụ trà sớm nhất, chạy vòng qua mũi Hảo Vọng, Nam Phi, quay lại nước Anh với hàng hóa. Chiếc thuyền cập bến đầu tiên sẽ ném những thùng trà mẫu lên bờ cho các nhân viên đang chờ trên bến. Các nhân viên sẽ lập tức chuyển các mẫu trà đến Mincing Lane, Luân Đôn, để đấu giá. Những món tiền thưởng lớn được trao cho thuyền trưởng và đoàn thủy thủ về nhất. Những cuộc đua như thế này diễn ra từ năm 1859 đến 1871, đến khi thuyền buồm chở trà bị lỗi thời với sự xuất hiện của tàu hơi nước và kênh đào Suez.

Khi trà chu du khắp thế giới trong nhiều thời đại thì thuật bói toán bằng lá trà cũng chu du cùng nó. Ngày nay, thuật bói trà có thể được tìm thấy ở bất cứ nơi nào phục vụ trà: từ quần đảo thuộc Hy Lạp, nơi các bà già quàng khăn đen thường bói toán cho các gia đình họ, đến cao nguyên Scotland, nơi dân địa phương đọc lá trà vào bữa sáng để dự đoán ngày mới ra sao, đến các ngôi sao màn bạc của Hollywood, những người trả một số tiền lớn cho thầy bói trà mà họ thích, vì các thầy bói bài lá trà có tiếng tăm.

Sách Hướng Dẫn Bói Trà Tea Leaf Fortune Cards – Rae Hepburn

Rate this post

(4.64★ | 822 Đánh giá)
TÀI TRỢ

Bạn cũng có thể thích Thêm từ tác giả

Để lại một trả lời