Phân Biệt Các Khái Niệm Về Bài Oracle Tự Làm

0 4.952

Phân Biệt Các Khái Niệm Về Bài Oracle Tự Làm

Từ năm 2017 cho đến nay có lẽ là một năm bùng nổ của bài Oracle, đặc biệt là bài Oracle tự làm. Với cách sử dụng đơn giản, thông điệp thực tế, nhiều chủ đề thú vị và ít mang tính hệ thống, bài Oracle ngày một chiếm cảm tình đại đa số các Reader trên toàn thế giới. Bài Oracle tự làm cũng xuất phát từ chính niềm đam mê, yêu thích, muốn đem kiến thức mình đã tích góp bấy lâu nay đặt hết vào một bộ bài Oracle, sau đó sử dụng chúng như một cách để định hướng bản thân. Nhưng hiện tại khái niệm về bài Oracle tự làm vẫn dễ dàng bị nhầm lẫn với những khái niệm khác, thậm chí còn bị hạ thấp giá trị vì nhiều lý do khác nhau. Trong bài viết này, các bạn hãy cùng mình tìm hiểu những khái niệm về bài Oracle tự làm và cách phân biệt chúng để chúng ta thấu hiểu hơn cũng như là trân trọng công sức của những người bỏ công sức ra làm một bộ bài Oracle.

Bài tự làm (Handmade)

Bài tự làm là cách để diễn tả một bộ bài được làm bằng tay đúng nghĩa. Đây là cách hiểu ngắn gọn, để giái thích sâu hơn về khái niệm này,chúng ta sẽ thử xét một bộ bài Oracle mà chúng ta vẫn thường gọi là bộ bài “Gốc”. Bộ bài “Gốc” mà chúng ta hay gọi theo đúng với cách gọi của người nước ngoài thì người ta sẽ gọi là bộ bài “Auth” – xuất phát từ chữ “Authentic” mang nghĩa là Xác thực. Bộ bài “Auth” nhìn chung tương đồng với bài tự làm rất nhiều, chỉ khác về nguồn gốc sản xuất thôi.

Bài gốc chúng ta thường hay gọi nó còn được gọi là bài "Auth" Ảnh: Google
Bài gốc chúng ta thường hay gọi nó còn được gọi là bài “Auth”
Ảnh: Google

Một bộ bài được xem là “Auth” khi mà chúng chỉ thuộc trực một đơn vị sản xuất, đơn vị này có thể là một nhà xuất bản in ấn nào đó, hoặc một đại diện nghiên cứu về bài Tarot/Oracle, nói chung là chỉ có một và chỉ một nhà đại diện đứng ra đại diện cho bộ bài đó, nếu có ai bán lại thì cũng là lấy sản phẩm từ chính nhà đại diện đó bán chứ không thể nào có việc một bộ bài lại có hai đại diện chịu trách nhiệm sản xuất. Bộ bài “Auth” còn thuộc về một hoặc nhiều tác giả, thông thường thì cứ một bộ bài nào được xuất bản sẽ có rất nhiều người tham gia để làm ra bộ bài đó, dễ thấy nhất chính là có một tác giả viết sách và một tác giả vẽ tranh, ngoài ra còn có người thiết kế lá bài, người dàn trang sách,… Có những bộ bài Oracle sách hướng dẫn của chúng được rất nhiều người tham gia viết. Nhìn chung là về mặt kiến thức và hình ảnh đều thuộc từ một người nào.

Một bộ bài được xem là bài tự làm – “Handmade” khi có những đặc điểm trùng với bộ bài “Auth”. Về việc in ấn và đại diện, thay vì chúng ta sẽ có đại diện nhà sản xuất như những bộ bài “Auth” thì với bài “Handmade”, người đại diện sẽ là bản thân người làm ra bộ bài này, đứng ra giới thiệu, quảng cáo và kinh doanh nếu có. Về mặt hình ảnh, thiết kế, sách hướng dẫn và in ấn cũng do chính bản thân người làm ra bộ bài đó lo liệu, họ sẽ tự làm hết tất cả các khâu, nếu họ không giỏi về một khía cạnh nào đó, họ sẽ tìm một người khác hỗ trợ họ, dễ thấy nhất là về vấn đề viết sách, người làm ra bộ bài không có nghĩa là họ viết sách giỏi nên họ có thể tìm một ai đó viết lên những thông điệp họ gửi gắm vào bộ bài. Nhìn tổng thể thì một bộ bài “Handmade” là bộ bài tự làm một cách hoàn chỉnh, không có sao chép, vay mượn hay ăn cắp bản quyền của người khác.

Bài "Auth" và bài "Handmade" đều giống nhau về giá trị sử dụng Ảnh: Nguyễn Hiếy
Bài “Auth” và bài “Handmade” đều giống nhau về giá trị sử dụng
Ảnh: Nguyễn Hiếy

Bộ bài “Auth” và bộ bài “Handmade” giống nhau hoàn toàn, chỉ khác biệt ở nguồn gốc xuất thân. Bộ bài “Auth” thì mọi người vẫn dùng thực chất vẫn giống hệt như một bộ bài “Handmade” nhưng để xét về độ chỉnh chu thì bộ bài “Auth” chất lượng tốt hơn nhiều, các bạn thấy được điều đó rõ ràng nhất khi mà một bộ bài “Auth” sẽ có đầy đủ hộp, sách và bộ bài được in rất đẹp. Cơ bản là các nhà sản xuất luôn tìm và chọn những bộ bài được làm từ những tác giả đáng tin cậy, có kiến thức chuyên sâu nên lòng tin dành cho những bộ bài “Auth” là điều chắc chắn có. Bài “Handmade” không hẳn phải là người có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực tâm lý, huyền học hay tiên tri, đó có thể là một Reader tích góp kinh nghiệm lâu năm, hoặc là một người thích đem kiến thức của mình vào để làm nên một bộ bài. Người làm nên bộ bài “Handmade” có thể là một người hoàn toàn bình thường, họ thường không đem ý tưởng của mình cho nhà sản xuất in và bán hàng loạt, một số có thể không đủ điều kiện để được đem xuất bản. Nhưng nhìn chung, cả hai vẫn được xem là một bộ bài được tạo ra từ chính những con người đầy đam mê, tâm huyết với các thể loại tiên tri, muốn sử dụng kiến thức của mình cho những việc có ích, giá trị của hai loại bài này đem lại cho người dùng là như nhau.

Bài giả (Fake)

Bài giả là cách để diễn tả một bộ bài lấy hoàn toàn hình ảnh, nội dụng từ một bộ bài của người khác và tự nhận đó là bộ bài do mình sản xuất. Chúng ta sẽ dễ nhận biết một bộ bài giả khi mà chúng ta bắt gặp bên ngoài hoặc nhìn thấy hình ảnh của chúng trên mạng. Cho dù nhìn rất giống với bộ bài “Auth” nhưng vẫn sẽ có những đặc điểm khác biệt:

  • Chất lượng giấy: chắc chắn một điều rằng chất lượng giấy của những bộ bài giả rất tệ, ít nhất thì tệ hơn giấy in của bộ bài “Auth”. Những bộ bài “Auth” thường được in với môt chất lượng giấy rất thơm và cứng cáp, vì là in hàng loạt nên họ luôn tìm những loại giấy in tốt nhất với giá thành cực kỳ ổn định. Còn bộ bài giả sẽ in với chất lượng tầm thường.
  • Chất lượng hình ảnh: cho dù chất lượng in có đẹp cỡ nào thì hình ảnh vẫn sẽ lộ những khuyết điểm thấy rõ đó là bộ bài giả, dễ thấy nhất chính là hình ảnh không rõ và nét như bộ bài “Auth”, vì hình ảnh này có thể được lấy trên mạng hoặc được scan từ bộ bài “Auth”, nhưng nhìn chung hình ảnh vẫn chẳng sánh được với ảnh gốc.
  • Cách thức in ấn và thiết kế bên ngoài: có những bộ bài được mạ vàng cạnh bài hoặc được in theo một cách thức đặc biệt như có vân trên bài, có mạ màu trên các chi tiết trong bộ bài, nên việc sao chép hình ảnh của các bộ bài “Auth” sẽ làm nên một bộ bài giả tầm thường, không có những điểm nhấn chất lượng như trên.

Bộ bài giả được sinh ra nhằm phục vụ cho nhu cầu muốn sử dụng bài nhưng không thể mua được vì giá thành quá cao hoặc một bộ bài nào đó không còn được sản xuất nữa nên việc tìm kiếm hình ảnh để tái sinh lại bộ bài cũng là một nhu cầu của nhiều người. Nhưng nếu xét về việc vi phạm bản quyền chất xám thì việc in lại những bộ bài của người khác là điều không nên làm, nên những bộ bài này được xem là bài giả vì không thuộc về bất kỳ đại diện nào, cũng không phải do người nào in tự làm ra mà là lấy hoàn toàn từ người khác.

Tại sao mọi người lại hay nhầm lẫn hai khái niệm này?

Bài tự làm đem lại hơi thở mới mẻ và khác lạ hơn, còn bài giả chỉ là lấy cắp chất xám của người khác.  Ảnh: Nguyễn Hiếy
Bài tự làm đem lại hơi thở mới mẻ và khác lạ hơn, còn bài giả chỉ là lấy cắp chất xám của người khác.
Ảnh: Nguyễn Hiếy

Cho đến thời điểm hiện tại, còn rất nhiều người hay nhầm lẫn về hai khái niệm này, họ vẫn cho rằng bài tự làm chính là bài giả. Có người còn cho rằng bài tự làm giá trị cũng ngang như bài giả, sau đây là những lý do khiến cho nhiều người hiểu sai về hai loại bài này, được giải thích thông qua các quan niệm của một vài người mình tích góp được:

  • “Bài từ bên nước ngoài về, có đóng hộp đầy đủ mới là bài thật”: chúng ta không có một khái niệm cụ thể cho bộ bài thật là bộ bài gì, vì chúng ta đã quá quen với việc mua một bộ bài đó đầy đủ mọi thứ từ sách cho tới bộ bài nên việc áp đặt suy nghĩ của bản thân rằng phải có đầy đủ hộp và sách thì mới là bài thật. Một bộ bài tự làm nhưng người làm ra bộ bài không thể viết sách hướng dẫn hay không có điều kiện làm một chiếc hộp đàng hoàng thì sẽ bị xếp ngay vào là bài giả và hạ thấp giá trị của bộ bài đó sao? Đôi khi chúng ta nên tập trung nhiều vào kiến thức hoặc giá trị thật sự của bộ bài hơn là đánh giá vẻ ngoài và tự cho mình quyền xem thường những bộ bài tự làm.
  • “Bài do một người thuộc chuyên môn làm mới là bài thật”: câu này thật sự đúng nhưng nó chỉ sai khi mà đánh giá bài thật hay giả thông qua người làm ra nó. Rõ ràng là nếu tác giả của bộ bài mà là một người có nhiều kiến thức chuyên môn, được thế giới công nhận thì sẽ tạo cho chúng ta niềm tin hơn trong việc sử dụng bộ bài đó. Nhưng điều đó không chứng minh một bộ bài tự làm từ một Reader hay một người nghiên cứu về những khía cạnh khác đều không phải là bài thật. Một bộ bài thật được xét trên phương diện tác giả của bộ bài tự làm hoàn toàn các khâu chứ chúng ta không nên xét người làm ra bộ bài là ai, phải sử dụng bộ bài đó thì mới có thể xét đến giá trị bộ bài cũng như người làm ra bộ bài là ai.
  • “Bài tự làm không có linh nghiệm, không có giá trị học thuật”: điều này là sai hoàn toàn! Chúng ta sẽ chẳng thể nào xét được độ linh nghiệm cũng như có giá trị học thuật hay không nếu như chúng ta không được trải nghiệm sử dụng bộ bài đó, đây chỉ là những suy nghĩ tiêu cực và áp đặt góc nhìn thiếu suy nghĩ và mang tính phán xét của bản thân vào những bộ bài tự làm. Nếu bạn nào còn có suy nghĩ như vậy thì lời khuyên thật lòng dành cho các bạn chính là nên thay đổi từ đây, vì các bạn đã vô tình làm tổn thương đến những người bỏ công sức của mình làm ra một bộ bài đấy!
  • “Bài tự làm sao mắc hơn bài gốc, phải rẻ hơn hoặc giá ngang với bài giả”: giá thành của một bộ bài thường được xét trên độ đầy đủ của nó, nhưng bài tự làm đôi khi sẽ mắc hơn rất nhiều so với những bộ bài “Auth” vì bài “Auth” là bài được sản xuất hàng loạt, còn bài tự làm được in với số lượng hạn chế nên giá thành có sự thay đổi, bài “Auth” tính ra sẽ rẻ hơn nhiều so với bài tự làm, nhưng cũng tùy chất lượng sản phẩm mà quyết định được giá cả. Bài tự làm càng không thể ngang bằng giá với một bộ bài giả, vì bài giả là sản phẩm lấy cắp còn bài tự làm thì không, mọi người cảm thấy điều này đúng chẳng qua là do chất lượng in của cả hai vô tình gần giống nhau, nên mọi người sẽ hiểu nhầm và luôn cho rằng bài tự làm là phải rẻ. Hãy nghĩ tới công sức và chất xám của người làm nên một bộ bài, còn người làm nên một bộ bài giả thì sẽ không tốn công gì nhiều, chỉ tốn công tìm kiếm hình ảnh và đi in thôi.
Mỗi bộ bài tự làm đều đáng được ghi nhận công sức. Ảnh: Nguyễn Hiếy
Mỗi bộ bài tự làm đều đáng được ghi nhận công sức.
Ảnh: Nguyễn Hiếy

Đôi khi cùng chung một chất lượng in nhưng trải nghiệm của hai bộ bài này lại khác nhau hoàn toàn, điểm khác nhau rõ ràng nhất giữa bài tự làm và bài giả chính là về mặt hình ảnh. Một bộ bài tự làm sẽ có hình ảnh khác biệt hơn so với những bộ bài thị trường, có thể đó là hình ảnh tự vẽ hoặc tự kiếm từ các nguồn ảnh miễn phí, còn bài giả thì chắc chắn là lấy lại hoặc xào nấu lại hình ảnh từ một bộ bài đã có sẵn, có khi là sử dụng hình ảnh có bản quyền từ một người khác. Phân biệt rõ ràng hai khái niệm này để tránh những suy nghĩ không hay về bài tự làm.

Mỗi một bộ bài tự làm là một sản phẩm đáng trân quý vì đó là tất cả ý tưởng, công sức và chất xám của người làm nên bộ bài. Đừng đánh đồng các sản phẩm tự làm đều giống như những bộ bài giả ngoài kia, chúng ta hãy thay đổi suy nghĩ và cách nhìn nhận về bài tự làm để từ đó hiểu được giá trị thật sự của một bộ bài tự làm nó đáng quý như thế nào so với một bộ bài giả lấy cắp của người khác. Đây là tiếng nói chung của những bộ bài Oracle tự làm nói riêng và tất cả những bộ bài tự làm khác nói chung. 

Sau bài viết này, hi vọng các bạn sẽ có thêm nhiều động lực để định hướng cho mình  tự làm một bộ bài Oracle trong tương lai nhé.

Nguyễn Hiếu

Khóa Học Oracle Định Hướng, Chuyển Hóa Và Kết Nối Vũ Trụ

Tham khảo thêm:

Nhập Môn Oracle

Chủ Đề Và Mục Đích Của Bài Oracle

Sử Dụng Trải Bài Oracle

CYOO – Những Điều Cần Biết

Cần Lên Kế Hoạch Như Thế Nào Cho Một Bộ Bài Oracle Tự Làm?

Rate this post

(5★ | 302 Đánh giá)
TÀI TRỢ

Bạn cũng có thể thích Thêm từ tác giả

Để lại một trả lời