Thần Thoại Hy Lạp – 12 Vị Thần Olympe

0 4.316

Thuở xưa khi Trời và Đất hình thành, những vị thần đầu tiên cai quản thế giới thần linh và loài người là mười hai vị nam, nữ Titan và Titanide. Titan Cronos sau khi cướp được ngôi báu của cha là Ouranos trở thành vị thần cầm đầu thế giới Titan. Người ta thường gọi thời đại các Titan cai quản bầu trời và mặt đất là thời đại các vị thần già, các vị thần cũ, hay còn gọi là thời đại Cronos hoặc thời đại Hoàng kim.

Zeus lật đổ Cronos mở đầu cho một thời đại mới, thời đại của những vị thần trẻ, những vị thần mới, thời đại mười hai vị thần của thế giới Olympe. Thật ra thế giới Olympe không phải chỉ có mười hai vị thần mà có rất nhiều nam thần, nữ thần. Nhưng trên hết thế giới thần thánh đông đảo là mười hai vị nam thần, nữ thần tối cao, mà vị thần số một, đấng tối cao của tối cao là thần Zeus giáng sấm sét, bậc phụ vương của thần thánh và loài người.

Việc điều hành thế giới được phân chia ngay sau khi các vị thần Olympe chiến thắng thế hệ thần già. Zeus, Poséidon và Hadès, ba con trai của thần Cronos rút thăm chia nhau công việc cai quản vũ trụ và thế gian. Zeus cai quản bầu trời, Poséidon cai quản các biển khơi, còn Hadès cai quản thế giới người chết dưới lòng đất. Mặt đất và loài người là thuộc quyền cai quản chung. Tuy nhiên vì Zeus là vị thần tối cao cho nên Zeus cai quản cả thế giới thần linh và thế giới loài người. Còn cung điện Olympe là của chung thế giới thần thánh.

Olympians
Mười hai vị thần trên đỉnh Olympe của Monsiau, vẽ vào khoảng cuối thế kỷ 18

Cung điện Olympe có mười hai vị thần nam nữ, bằng với số Titan và Titanide trước kia. Mười hai vị thần Olympe là:

  1. Zeus (thần thoại La Mã: Jupiter), vị thần tối cao cai quản thế giới thiên đình và những người trần thế, vị thần dồn mây mù giáng sấm sét có tiếng nói ầm vang.
  2. Hadès (Pluton), vị thần cai quản thế giới âm phủ, có chiếc mũ tàng hình – Diêm vương.
  3. Poséidon (Neptune), vị thần cai quản các biển khơi to nhỏ, vị thần lay chuyên mặt đất, có cây đinh ba gây bão tố – Thần Đại dương.
  4. Héra (Junon), nữ thần vợ Zeus, người bảo hộ cho Hôn nhân và Hạnh phúc gia đình, bảo hộ cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh.
  5. Déméter (Cérès), nữ thần cai quản sự phì nhiêu của đất đai, trông nom việc trồng trọt, mùa màng và đặc biệt bảo hộ cho mùa lúa mì, thường gọi là nữ thần Lúa mì.
  6. Hestia (Vesta), nữ thần của bếp lửa, của ngọn lửa trong bếp lò sưởi ở gia đình, người bảo hộ cho sự quần tụ ấm cúng của con người trong gia đình, cho cuộc sống văn minh.
  7. Athéna (Minerve), nữ thần Trí tuệ và Chiến tranh, Công lý và Nghề thủ công, Nghệ thuật, con của thần Zeus.
  8. Aphrodite (Vénus), nữ thần Tình yêu và sắc đẹp.
  9. Apollon, con của thần Zeus và nữ thần Léto, thần Ánh sáng, Chân lý, Âm nhạc, Nghệ thuật, người Xạ thủ có cây cung bạc.
  10. Artémis (Diane), nữ thần Săn bắn, người Trinh nữ xạ thủ, anh em sinh đôi với Apollon.
  11. Héphaistos (Vulcain), thần Thợ rèn, chân thọt, con trai của Zeus và Héra, thần Lửa và Nghề thủ công.
  12. Arès (Mars), thần Chiến tranh, con của Zeus và Héra.

Đê giúp việc cho thế giới Olympe cai quản công việc của thế gian còn có hai vị thần, một nam thần và một nữ thần, lo việc truyền lệnh, thông tín liên lạc là Hermès (thần thoại La Mã: Mercury) và nữ thần Iris.

Trong cung điện Olympe không khí thật là uy nghiêm trang trọng. Thần Zeus ngồi trên ngai vàng vẻ mặt quắc thước nghiêm nghị. Dáng điệu của thần đường bệ, cử chỉ, phong thái khoáng đạt, ung dung khiến mới nhìn thấy Zeus, các vị thần đã thây ngay được sức mạnh và quyền lực của đấng tối cao, một sức manh và quyền lực biểu hiện ra một cách tự nhiên, đàng hoàng, bình thản. Ngồi hầu bên ngai vàng của Zeus là nữ thần Hòa bình – Eiréné và nữ thần có cánh Thắng lợi – Niké. Khi nữ thần Héra xinh đẹp có đôi mắt bò cái và cánh tay trắng muốt bước lên cung điện thì các thần đều tiến đến đón nàng, chào hỏi nàng một cách thân tình, trân trọng. Rồi mọi người giãn ra hai bên mời nàng bước vào ngai vàng. Thần Zeus đứng dậy nghiêng đầu, bước xuống mỉm cười chào và đưa tay ra đỡ lấy tay vợ dắt lên ngai vàng. Zeus và Héra ngồi bên nhau trên ngai vàng.

Nữ thần Iris ngồi hầu bên Héra. Nàng sẵn sàng hoàn thành mọi mệnh lệnh của Héra một cách nhanh chóng khác thường. Với đôi cánh nhẹ nhàng và màu sắc rực rỡ, Iris có thể bay tới mọi chốn xa xăm cùng trời cuối đất rồi lại trỏ về mà không để Héra than phiền về sự chậm trễ.

Thần Hermès ngồi hầu bên Zeus. Thần không có cánh như nữ thần Iris nhưng truyền lệnh, thông tin nhanh chẩng kém Iris chút nào, bởi vì Zeus đã ban cho Hermès một đôi dép có cánh để thi hành phận sự. Với đôi dép này, Hermès chạy trên mây, lướt trên sóng, sà xuống núi, chui xuống biển, đâu đâu cũng đi tới được kể cả việc xuống thế giới âm phủ. Thần còn chỉ đường dẫn lối cho khách bộ hành và các vị thần, cai quản cả nghề buôn bán, thông thương và tệ hại nhất là thần còn cai quản cả thói lừa đảo, gian dối, trộm cắp.

Cùng điều hành luật lệ với thần Zeus còn có nữ thần Thémis uyên thâm. Chính nữ thần là người đã thiết lập ra Quy luật, Trật tự, Sự ổn đinh và Luật pháp trong thế gian để cai quản và bảo đảm Công lý.

Zeus tuy là vị thần tối cao, quyền uy và sức manh hơn hẳn các vị thần thế giới Olympe, thế mà Zeus vẫn không phải là đấng tối cao toàn năng, toàn diện, toàn quyền, hoàn mỹ. Trên Zeus còn có một sức mạnh và quyền lực quyết định hết thảy mà chẳng vị thần nào hay một người trần thế nào có thể đảo ngược. Đó là Số Mệnh. Số Mệnh do ba chị em nữ thần Moires cai quản.

Nhưng cũng có lúc Số Mệnh không nằm trong cuộn chỉ của ba chị em nữ thần Moires mà nằm trong cái cân của thần Zeus. Thần Zeus cầm cân, cân miếng đồng số mệnh của ai, nếu đĩa cân bên nào nặng nghiêng về một bên thì chăng thể nào cứu vãn được; số mệnh người đó hướng về đất, người đó phải chết.

Tuy Zeus có thể ban hanh phúc cho những người trần thế chúng ta bằng những tặng vật lấy ra từ cái chum đựng điều lành, nhưng hạnh phúc trong cuộc đời những người trần đoản mệnh chứng ta lại còn từ ân huệ của nữ thần Tyché (Thần thoại La Mã: Fortuna) nữa.

Quyền lưc của Zeus lớn lao là thố song Zeus nhiều lúc phải chịu lép vế trước quyền lực của một nữ thần, không phải nữ thần Héra, vợ Zeus, mà là nữ thần Lầm lẫn – Até. Zeus đã bao phen lầm lẫn và cho đến một lần, bực tức quá vì sự tác oai tác quái của vị nữ thần này, Zeus quang ngay cô con gái đáng ghét ấy xuống trần và cấm cửa không cho trở về thiên đình.

Raffaello,_concilio_degli_dei_02
12 vị thần Olympe

Các vị thần ở thế giới Olympe đều khiếp sợ trước quyền lực và sức mạnh của Zeus, nhất là khi Zeus nổi cơn thịnh nộ. Người con của Cronos chỉ chau mày vung tay một cái là mây đen ùn ùn kéo đến/sấm động, chớp giật và sét nổ xé rách bầu trời, lửa cháy bừng bừng, khói mù khét lẹt. Mỗi khi Zeus đi đâu trở về cung điện, các vị thần đều phải kính cẩn ra đón đấng phu vương, không ai dám bỏ đi làm việc khác hay đứng yên một chỗ đợi Zeus đi tới mới cung kính chào hỏi. Tính khí Zeus nóng như lửa. Mỗi khi Zeus nổi nóng chẳng ai dám can ngăn vì như thế chỉ làm Zeus thêm phần điên tiết. Các vị thần đã từng chứng kiên nhiều trận lôi đình của Zeus và đã có một tấm gương; thần Héphaistos vì thiện ý muốn can ngăn cơn nóng giận của Zeus mà phải mang tật suốt đời.

Zeus ngồi trên ngai vàng, tay cầm cây vương trượng bằng vàng do bàn tay khéo léo của thần Thợ rèn Héphaistos tạo nên. Một con đại bàng con chim yêu quý của Zeus đậu bên. Cạnh Zeus hoặc ở dưới chần Zeus còn có một cái khiên bằng da dê dày không biết đến mấy lần, mấy lớp bọc ngoài bằng một lượt vảy các loài bò sát cứng rắn như đồng, như sắt. Viền theo vành khiên là những con rắn độc ngoằn ngoèo nom rất ghê sợ. Zeus chọn cây sồi làm người phát ngôn cho mình, truyền đạt những lời phán bảo, phán đoán về tương lai, về cách xử thế cho những người trần bấy yếu, đoản mệnh.

Những người trần thế hằng năm đến Dodone, xứ sở của những rừng sồi, lắng nghe tiếng lá xào xạc để biết những lời sấm ngôn, tryền phán của Zeus. Nhưng không phải người trần thế nào cũng biết được nghệ thuật nghe tiếng lá cây. Chỉ những nhà tiên đoán, những nhà chuyên làm nghề tư tế mới có thể tiếp xúc với thứ ngôn từ bí ẩn, thiêng liêng đó và giải thích cho mọi người biết. Lại có khi Zeus thể hiện ý chí của mình và những lời phán bảo qua lối bay của các giống chim. Và tất nhiên cũng chỉ có những nhà tiên tri và những nhà tư tế mới có tài năng nhìn lối bay, đường bay của các giống chim mà đoán hiểu được những điều thần muốn nói.

Finished_Statue

Cảnh sinh hoạt của thế giới Olympe và của đấng phụ vương Zeus là như thế. Nhưng không chỉ có thế. Cung điện Olympe có biết bao nhiêu vị thần; mười hai vị thần tối cao và biết bao vị thần cấp thấp chia nhau cai quản công việc của thế giới loài người. Vì thế giữa loài người với các vị thần xảy ra không ít những sự phiền toái. Lại còn giữa các vị thần với nhau nữa, cũng nhiều chuyện lôi thôi, phức tạp, phiền toái không kém gì thế giới loài người chúng ta, có khi lại còn hơn… hơn rất nhiều nữa là đằng khác. Vì thế cung điện Olympe dưới quyền cai quản của thần Zeus xem ra thì rất thanh bình nhưng thật ra có những cuộc họp khá là nảy lửa, sóng gió, thậm chí kéo dài tới chín ngày trời, ý kiến bất đồng rất sâu sắc. Thần Zeus nhiều khi phải xử các vụ kiện cáo, khiếu nại giữa các vị thần hết sức lôi thôi, đau đầu nhức óc. Các vị thần lại luôn luôn đi đi về về cho nên cung điện Olympe tuy bốn mùa mây phủ song xem ra bận rộn khác thường. Thế giới Olympe điều khiển thế gian quả không phải là một công việc dễ dàng.

Tổng hợp từ “Thần Thoại Hy Lạp – Nguyễn Văn Khỏa – NXB Văn Học”

Rate this post

(4.79★ | 1212 Đánh giá)
TÀI TRỢ

Bạn cũng có thể thích Thêm từ tác giả

Để lại một trả lời