The Devil – Aleister Crowley Thoth Tarot

0 3.119

XV. THE DEVIL

Ý nghĩa lá The Devil trong bộ bài Aleister Crowley Thoth Tarot

Bản năng Quyền lực mạnh mẽ có tính bản năng và khiêu gợi, thèm muốn quyền lực, nhưng cũng chống lại cái ác.
Mục đích Ma thuật đen tối, hoạt động tình dục được nghi thức hóa, sự biến chuyển bản ngã qua các nghi lễ nhóm. Đảo ngược: Tòa án Dị Giáo ( the Inquisition) nhân danh Chúa thiêu sống những người (phần lớn là phụ nữ) bị cho là phù thủy
Nguyên lý hướng dẫn Sự đương đầu với bóng tối, tổng quát những khả năng khác biệt
Ánh sáng Nhận thức về cái tôi hoàn chỉnh và đích thực. Lucifer với vai trò là kẻ đem lại ánh sáng
Bóng tối Những rắc rối tai họa, xu thế hủy hoại (tự hủy hoại). Địa ngục, bóng tối, sự cuồng loạn tập thể 
Phẩm chất Năng lượng luôn mong muốn cái ác và liên tục gây ra nó là tốt! 

 

***

Nền Tảng Kiến Thức

Lá bài

Nguyên lý của bóng tối (năng lượng sáng tạo ở dạng vật chất nhất của nó) được vẽ ở trung tâm lá bài là một con dê núi (dê Hymalaya) với cặp sừng hùng dũng giang rộng. Nó tượng trưng cho Bannebdjet thần dê Ai cập của Mendes mà người Hy Lạp xem như thần Pan, con trai của Hermes, vị thần thực vật đầy dục vọng. Vẻ mặt của ngài toát lên vẻ quỉ quyệt bởi ngài là hiện thân của bóng tối, của những bản năng đen tối và cả những thứ không được biết đến, cũng là chiếc chìa khóa để mở những không gian chưa từng sử dụng trong tâm hồn con người. Bạn chỉ biết về bản năng, bạn không bao giờ hiểu biết về cái khác. Crowley viết:

Ngài hãnh diện về cái gồ ghề cằn cỗi không kém gì cái mượt mà và màu mỡ. Mọi thứ đều nâng cao ngài lên với mức độ ngang nhau. Ngài đại diện cho việc khám phá sự đê mê trong mọi hiện tượng, nhưng tự nhiên lại thấy ghê tởm; ngài vượt ra khỏi mọi giới hạn; ngài là thần Pan, là bất cứ thứ gì. Chúng ta thấy ngài đằng trước một thân cây đâm lên trời, tượng trưng cho một bộ phận thẳng đứng phát triển thành yoni (hình tượng sinh dục nữ) của nữ thần bóng đêm. Hai hình cầu tượng trưng cho mặt cắt ngang của hai tinh hoàn mà trong đó sự sống mới bắt đầu nảy mầm.

Có một quyền lực mãnh liệt đang hoạt động ở đây, cực tối cùa tạo hóa, nguy hiểm nhưng cần thiết cho sự sống. Nó cũng được tượng trưng bằng cây quyền trượng với đầu gậy có cánh và những con rắn Uracus (biểu tượng Hy Lạp cổ dành cho vua), và cán của nó đâm xuống thấu đến gốc rễ. Ẩn giữa đôi cánh chim trên đầu gậy là một biểu tượng Ai Cập của mặt trời có cánh. Nó tương ứng với ánh sáng trong bóng tối (con mắt thứ ba mở to ở trên trán của thần Pan) xuất hiện một cách có chủ ý từ dưới đáy sâu: “Vì ý chí thuần khiết, mục đích không nguôi bắt nguồn từ sự thèm khát đạt kết quả là hoàn hảo trên mọi mặt.” (Crowley “Liber Al vel Legis” 42-4)

Phân Tích và Mô Tả

1. Chủ đề (Dê đực)

1.1. Đối thủ của Chúa Trời

The Devil cho thấy mặt tối của Chúa Trời, linh hồn tạo ra thế giới, đang ẩn giấu hoặc bị giam hãm trong vật chất, tượng trưng bằng con quạ đen hay con dê đực có sừng. Khi Chúa được hiểu theo nghĩa nước đôi, vừa là một người Cha nhân hậu ở thiên đường, vừa là một vị thần âm phủ thù hận và trừng phạt, thì sẽ không cần có Quỉ với ý nghĩa như hiện nay. Do đó ngài hầu như không được đề cập đến trong Kinh Cụu Ước, và nếu như có nhắc đến thì ngài chỉ như một thiên thần bi đày, nhưng không bao giờ là đối thủ thực sự của Chúa Trời. Nó chỉ dừng lại ở mức độ hình ảnh của Chúa Trời được gắn với điều tốt đẹp một chiều, còn Quỉ là kết tinh của toàn bộ những điều xấu xa. Như Jung đã chỉ ra, sự phân chia làm bốn phần của một tổng thể là bốn vị nhất thế, trong đó vị trí thứ tư làm nên tổng thể, nhưng do bản chất, nó luôn được hiểu một cách nước đôi. Bởi vì ngoại trừ ba vị thiên đường truyền thống kia, vị tri thứ tư bị chiếm chỗ bởi lòng sùng kính Mary lan truyền trong thời Trung Cổ, nên nó chỉ có thể được hiểu theo nghĩa nước đôi. Nhưng vì Mary trên thiên đường trở thành một nữ thần thuần khiết không tì vết, nên cần thiết phải tạo ra một hình ảnh hoàn toàn đối lập trên trần thế: Đó là lòng tin quá mức vào Quỉ, nhân vật chưa được biết đến cho đến thời điểm đó, cùng với mọi sự cực đoan của nó trong việc săn lùng phù thủy.

1.2. Con dê tế thần (sự thăng hoa)

Trong quá khứ, mọi nền văn hóa đều cho rằng sự hung hăng không nên bị trấn áp mà nên được tôn trọng. Nó cần được trao cho không gian để tính bạo lực mù quáng của nó được giới hạn và đồng thời được hướng theo những con đường tích cực hơn. Những nghi lễ chuộc tội cổ xưa và hệ thống thờ cúng huyền bí đã tạo ra những kênh dẫn đến sự chuyển hóa và thăng hoa cho năng lượng nguyên mẫu của Dionysus và Asasel, thần dê của vùng Trung Đông, con dê tế thần. Nếu một thứ thuộc về Chúa bị phủ nhận hoặc bị đàn áp, Quỉ sẽ chiếm giữ nó và thực hiện những xu thế tàn ác trong những hoạt động như Lễ cầu xin Quỉ Sa-tăng (Blackk Mass), thiêu sống những người bị cho là phù thủy, Tòa Án Dị Giáo đẫm máu, cuộc Thập Tự Chinh. (Edward C. Whitmont)

1.3. Bóng tối tập thể

Ở phương Tây, Quỉ lần đầu tiên được tạo nên là từ sự phân ly và đấu tranh trong đạo Cơ đốc. Bóng tối tập thể được Nhà Thờ gán cho Quỉ trong thời Trung Cổ. Để chống lại sự cám dỗ của nó chỉ còn nhờ vào lòng tin thuần khiết  Sự liên hệ thực sự với Quỉ được để lại cho những nhân vật thần bí và các nhà giả kim, những người khách quan hơn khi đối đầu với bóng tối. Hermes hay Hermes Psychopompos (nhân vật đi cùng các linh hồn từ thế giới này vào thế giới kế tiếp trong thần thoại Hy Lạp) được coi như kẻ áp giải của những linh hồn tội lỗi, vì ngài di chuyển trong lãnh địa của bóng tối với sự đau đớn nhức nhối và vẻ xảo quyệt không che đậy. Ngài là linh hồn tạo ra thế giới, một linh hồn đang ẩn giấu hoặc bị giam cầm trong vật chất. Trong sách kinh rosary của thuật giả kim, Hermes nói về bản thân ngài: “Ta đem đến ánh sáng (Lucifer = kẻ đem đến ánh sáng), nhưng bóng tối thuộc về bản chất của ta.” Đến lượt thần Pan có sừng là con trai của Hermes, và ngài có vẻ mặt tinh quái vì biết rằng Quỉ đang bộc lộ bản chất dưới cái bóng của ánh sáng. Ở Quỉ, chúng ta thấy mọi thứ mà thế giới này không thích nhìn thẳng vào nó.

1.4. Được khai tâm (con mắt thứ ba)

Quỉ phải mỉm cười vì điều này bởi ngài nhận ra con người không thấy rằng chính họ đã tạo nên thực tại và rồi lại đấu tranh với nó. Theo xu hướng Gnostic trong tư tưởng tôn giáo, Quỉ thường được kính trọng như một người bạn thực sự và là chúa của nhân loại, trái ngược với Chúa Cơ Đốc giáo tính cách thất thường và thiếu lòng khoan dung, người đã ra lệnh hiến tế chính con trai của ngài để hòa giải với loài người, mặc dù ngài có quyền lực vô biên. Tuy nhiên người ta có thể thông cảm với những hình ảnh này, không một quan điểm nào có thể đánh lừa chúng ta với ý nghĩ rằng trên đời này không tồn tại cái ác, dù chúng ta gọi nó là gì. Chúng ta phải học để không những nhìn thấy Quỉ trong người khác, mà còn để hiểu rằng ở anh ta còn có những cái căn bản bên trong chúng ta. Loài người chúng ta là những ảo thuật gia đen tối, không để ý một cách chính xác rằng việc đấu tranh với cái bóng của chúng ta (đấu tranh với cái ác) chỉ dẫn đến đổ vỡ và hủy hoại. Ngược lại, con mắt thứ ba trên trán của the Devil phản ánh nhận thức khôn ngoan và kết luận đã được nghiền ngẫm về cái tôi bên trong các hình mẫu ý thức và hành vi của một người.

Bởi vì mỗi thái cực tâm lý đều ẩn chứa cái đối nghịch, hoặc bằng cách nào đó có liên hệ mật thiết với nó. Không có sự hành lễ nào mà không đảo ngược thành cái đối nghịch nếu cần thiết. Cái tốt nhất bị đe đọa nhiều nhất bởi sự bóp méo quỉ quái, bởi nó trấn áp cái xấu nhiều nhất. Không ai đứng ngoài cái bóng tập thể. (C.G. Jung)

1.5. Có sừng (cặp sừng)

Trái với kỳ lân, biểu tượng Cơ đốc giáo tương ứng với ngôi sao năm góc với một đầu nhọn hướng lên trên, và như vậy đại diện cho biểu tượng thiêng liêng của sự thống nhất (một đầu nhọn), cặp sừng của con dê đực tượng trưng cho ngôi sao năm cánh ở trang thái ngược lại với một đầu ở dưới và hai góc nhọn hướng lên trên (được vẽ trong bộ the Rider như một hình pentacle lộn ngược giữa cặp sừng của the Devil), biểu thị tính phân cực và tội lỗi, và trở thành biểu tượng của ma thuật đen tối. Crowley bất ngờ tuyên bố có lời khuyên với chính phủ Anh rằng họ nên phản đối dấu hiệu chữ thập ngoặc của người Đức với biện pháp hữu hiệu bằng cách  sử dụng dấu hiệu chiến thắng được Winston Churchill truyền bá.

1.6. Đội vương miện (vòng hoa sen)

Vương miện bằng hoa sen giữa cặp sừng gợi nhớ đến thần Ai Cập Nefertem, “người tuyệt đối hoàn hảo.” Ngài là vị thần của ánh sáng và cũng là vị thần của cái chết. Ở Ai Cập, hoa sen, loài hoa mang mặt trời bên trong nó, được cho là bắt nguồn từ vùng nước nguyên thủy, và đồng thời là biểu tượng cho sự sáng tạo thế giới từ nơi ẩm ướt, và mùi hương của nó được cho là có thể cải lão hoàn đồng. Những bông hoa, nở ra khi mặt trời lên và khép lại vào ban đêm, có liên hệ với thần mặt trời và sự phát triển của ánh sáng từ bùn lầy của thời đại nguyên thủy hoang đường. Tuy nhiên trong thần thoại Ai Cập, vòng hoa sen là dấu hiệu mà qua đó Isis nhận ra rằng Anubis, đứa con bị mẹ của chàng là Nephtys bỏ rơi, là con của Osiris. Vòng hoa sen do đó xác nhận người đeo nó là con trai của cái tốt (cái ác là một phần của cái tốt).

2. Cây của Sự Sống (tượng dương vật)

2.1. Thân cây (lingam – tượng dương vật)

Thân cây hùng vĩ ở đằng sau con dê đực, dưới hình ảnh của một tượng dương vật, đại diện cho năng lực sống động của hoạt động tình dục vươn lên từ đáy sâu.

2.2. Vòng quả hạch (yoni – tượng bộ phận sinh dục nữ)

Thân cây biểu trưng cho tượng dương vật vươn lên cạnh trên của bức vẽ và đâm qua biểu tượng yoni của Nut, nữ hoàng của thiên đường, mà cùng với nó, tiến vào phần vĩnh hằng này, Goethe kết thúc nhân vật Faust của ông: sự nữ tính bất diệt thu hút chúng ta về phía trước. Đây không chỉ đơn giản là hành vi tình dục, dù không phải là không có ngụ ý, nhưng nó chú trọng hơn đến hình ảnh hoàn chỉnh của sự kết hợp năng lực nam và nữ.

2.3. Bộ rễ (tinh hoàn)

Bộ rễ của cây được vẽ rất rõ ràng để “cho thấy vô số những bước nhảy vọt của sự thành công” (Crowley), tương ứng với mặt cắt dọc qua hai tinh hoàn, nơi chúng ta thấy được những thế hệ kế tiếp trước khi cuộc sống của họ được hình thành. Chúng ta nhận ra bốn phôi thai nam và bốn phôi thai nữ đã được trao cho kiểu di truyền như một sự sắp đặt của Chúa Trời.

2.4. Cây quyền trượng Uraeus (dục tình)

Phần thế giới bên dưới đen tối, đầy âm khí của quyền lực tạo hóa được tượng trưng ở đây, và được kết nối với thần cai quản những chòm sao (Nut) Cây quyền trượng, một cách ẩn dụ, diễn tả sự hạ xuống của sự vật nguyên thủy ban đầu thành vật chất trần tục (mọi vị thần vĩ đại thời cổ đại đều có mặt tối này). Điều này được thể hiện trong tia sáng với vòng tròn mặt trời có cánh và cây quyền trượng với đầu gậy gắn hình những con rắn Ureaus vươn dài vô tận  xuống trung tâm trái đất. Sự neo lại trong lòng đất tương ứng với năng lượng của đàn ông, nó vươn lên ngay khi nữ tính bất diệt của nữ thần vẫy gọi. Ngược lại, sự nữ tính sáng tạo của người phụ nữ lôi cuốn hình thù (tinh dịch) hướng lên trên và lái nó đi giống như ngọn đèn dẫn lối đi vào cảng tiếp nhận. Trên một mức độ cao hơn, điều này cũng tương ứng với hành vi nhận thức của Kundalini (trang 86) hoặc sức mạnh của rắn (tổng những ô số của the Devil bằng với the Lovers), bắt đầu từ đáy của cột sống đi dọc cột sống lên đến đầu.

Diễn Giải

Về bối cảnh (hiểm ác)

“Trò lừa thông minh nhất của Quỉ,” kẻ nghiện ngập Charles Baudelaire đã nói, “là thuyết phục được chúng ta rằng ông ta không tồn tai.” Trong số tất cả các lá bài Tarot, the Devil (phù hợp với bản chất của ngài) là khó nắm bắt nhất. Nói chung ngài được biểu lộ trong những trải nghiệm của sự lệ thuộc, thiếu ý chí, trong sự thất bại của những dự định tốt đẹp, cũng như trong những quá trình hành động vi phạm những niềm tin chắc chắn của chúng ta. Marie- Louise von Franz đã viết:

Phép loại suy tốt nhất mà một người có thể mô tả hậu quả tàn phá của quỉ đó là hậu quả của virus bệnh dại. Khi một con virus đi vào thần kinh của một người bị con thú dại cắn, được biết rằng con virus đó sẽ di chuyển chính xác đến một nơi trong não của người bị cắn mà từ nơi đó nó có thể chi phối toàn bộ con người đó. Nó khiến cho anh ta sợ nước, nhờ đó con virus không thể bị đánh văng ra khỏi miệng, nó khiến cho anh ta đi lang thang để có thể tiếp xúc với một số lượng lớn sinh vật khác, và cuối cùng cắn điên cuồng để virus có thể truyền sang vật mang mầm bệnh mới. Người ta có thể ngẫm nghĩ, làm thế nào mà một con virus lại có thể khuất phục được một người quan trọng như Kant hay Goethe đến mức độ mà họ chỉ có thể máy móc làm những việc phục vụ cho sự sinh sôi của virus…! Những phức hợp tự trị hành động chính xác theo cùng một cung cách; chúng có thể làm méo mó hay phá hủy toàn bộ nhân cách.

Về tổng quan

The Devil, cùng với Death và the Tower, là những lá bài có một tiềm năng sáng tạo mà không thể bị biến thành vô dụng bởi nỗi khiếp sợ kinh hoàng hay việc đảo ngược nó thành thần thánh. Nó có liên quan đến lá the Lovers vì nó đại diện cho cái bóng của the Lovers, đó là đấu tranh cho sự kết hợp và hài hòa thông qua nhận thức về những bản năng: nó bổ sung cho lá Death vì nó tạo nên sự sống mới qua động lực tình dục, nó hoàn tất lá Art bởi vì nó đối chọi với tính điều độ của sự sáng tạo bằng tính không điều độ của sự hỗn loạn như mặt kia của Chúa. Nó thể hiện sự tham lam vô độ của Lust (XI), phần tối của High Priestess(II), sự tôn thờ chủ nghĩa vật chất và đạo đức giả, chống lại nguyên tắc của Hierophant (V), cái bóng dễ bị mua chuộc và tự cho mình là đúng của Adjustment (VIII), hay  ma thuật đen tối của của Magus (I), và cho thấy tội lỗi bùng nổ và được khắc phục ở the Tower. The Devil luôn luôn là một bạo chúa luôn tích trữ của cải của chung cho riêng bản thân ông ta và đàn áp sự đa dạng. Ông ta có thể là bạo chúa của trí óc hoặc bạo chúa của cảm giác và luôn sống bằng tiền của của người khác, và vì vậy chúng ta thiếu đi tổng thể và điều này trở thành thất bại của chúng ta.

Về ý thức

Trên mức độ ý thức của chúng ta, lá bài này cho thấy chúng ta bắt đầu tiếp xúc với mặt tối của minh. Có những trải nghiệm mà qua đó chúng ta ý thức được sự mất tự do và lệ thuộc. Đôi khi sự chiếm hữu và tin vào ma quỉ, sự thèm khát quyền lực và xâm chiếm được chú ý đến, những thứ có vẻ rất hấp dẫn bởi màu đen pha lê, nhưng thường thì nó là những thứ tồi tàn trong cuộc sống hàng ngày, những trụy lạc thầm kín, những mưu đồ nhỏ nhen, những nhược điểm của kẻ phàm phu như lười biếng, thèm thuồng, động lực gây thanh thế cá nhân, ghen tỵ, hung hăng, và những thứ phiều nhiễu tương tự. Cái bóng cũng có thể xuất hiện dưới dạng Oknos, nhân vật là hiện thân của tâm tính ma quỉ “phải, nhưng…” của Cupid và Psyche, và liên tục sửa một sợi dây để rồi ngay sau đó lại phá hủy nó. Ngay cái tên của ông ta cũng có nghĩa là ngần ngại, và ông tượng trưng cho sự vướng mắc trong sự do dự đáng thất vọng. Thêm vào đó, lá bài này cũng tượng trưng cho những suy nghĩ cứng ngắc mà chúng ta bị ép buộc  phải chạy theo, hoặc nó có thể diễn đạt nỗi sợ của chúng ta về cái ác ngoài kia mà không hiểu rằng chúng ta chỉ đang nhìn vào tâm hồn của chính mình qua tấm gương. C. G. Jung đã nói về điều này như sau:

Nếu một người có 3 phần trăm cái ác mà họ nhìn thấy ở người khác hoặc suy đoán như thế, cho dù, nói một cách khách quan, người khác sở hữu 97 phần trăm còn lại, thì anh ta vẫn nên khôn ngoan mà nhìn vào 3 phần trăm của mình, bởi chúng ta chỉ có thể thay đổi những thứ ở bên trong bản thân chúng ta, còn ở những người khác thì hầu như là không bao giờ làm được.

Về nghề nghiệp

Trong kinh nghiệm nghề nghiệp của chúng ta, cái quan trọng được đặt vào việc áp dụng năng lực của bản thân một người, hoặc đặt vào việc bị người khác chi phối. Lá bài này cảnh báo về việc bị lạc lối trong vật chất hoặc không chống nổi sự thích thú quyền lực. Nó cho chúng ta thấy rằng thủ phạm và nạn nhân là hai mặt riêng rẽ của cùng một dạng xoắn của năng lượng mà chúng bổ sung cho nhau.Tuy nhiên, nó cũng có thể cảnh báo về một thương vụ mơ hồ, có thể đưa chúng ta đến mâu thuẫn với luật lệ, do đó chúng ta phải e ngại rằng sự từ chối có thể dẫn đến rủi ro về tiền bạc, tự do hoặc sức khỏe. Nó luôn luôn là một thử thách để hiểu được ở đâu và bằng cách nào chúng ta hành động ngược lại với niềm tin của mình.

Về những mối quan hệ

Nằm  dưới quyền sinh sát của chính cái bóng mình và đấu tranh với nó (như một sự thay thế) trong một con người khác thì không đâu nguy hiểm hơn là ở quyền lực của lá bài này. Mặc dù the Devil cũng có thể đại diện cho sự cám dỗ, nồng nàn và mê hoặc, ngài thường là một lời cảnh báo về sự tăng vọt: Ngài diễn tả sự phát triển đáng buồn của những mối quan hệ như là sự vướng mắc và khuất phục trong tình cảm, sự bạo ngược và ác dâm, những thứ luôn dựa trên quyền lực của bóng tối và nỗi khiếp sợ bên trong chúng ta. Đôi khi những mối liên kết nghiệp chướng cũng có phần trong đó, sự vướng mắc kéo dài biểu hiện ở việc hai người không ngừng khơi lại vết thương của nhau. Lá bài này cho thấy cơ hội để thay đổi những cách cư xử của một người và cơ hội để nhận ra toàn bộ các khả năng chưa được thực hiện (C.G. Jung), mọi sai lầm (khi có gì đó bị bỏ lỡ), tội lỗi của chúng ta, và mọi thứ chưa được biết tới bên trong chúng ta chính là cái bóng của chúng ta.

Những Tương Quan Tương Tự

1. Những hình mẫu và biểu tượng

Hình mẫu

Đối thủ được thể hiện như là mặt tối của Chúa Trời.

Chữ cái:

“Ayin/Ajin, (H)Ain = Gh (mắt), giá trị số = 70. Con mắt thứ ba là hiện thân của cái nhìn thấu đáo và nhận thức. (nhận thức là quan điểm về thuyết tương đối)

Con số:

15 = con số của mặt trăng tròn (ngày 15 của tháng – ngày trăng tròn)

Tree of life

Trục Tiphareth-Hod (với ưu thế thuộc về Hod). Chúng ta cảm thấy bị mắc kẹt trong cấu trúc bắt buộc của Hod và nếu phần bụng của chúng ta là con dê của chúng ta (Tiphareth = hòa hợp) thì chúng ta phải đặt những trải nghiệm của Devil, những trải nghiệm mà chúng ta phải đương đầu với những bản năng cơ bản hơn, vào trong tinh thần của chính chúng ta, giữa hai Sephiroth.

Kinh dịch

36 Ming – “Sự tối đi của ánh sáng”

Runes

The Devil - Aleister Crowley Thoth Tarot 121 - MANNAZ icon7 - KENAZ icon16 - EOLH icon22 - LAGAZ icon

The Devil có liên hệ với những phần bóng tối (lộn ngược) của hầu hết mọi runes, đặc biệt với: Fehu, Mannaz, kaunaz, Algiz), và Laguz.

Hoàng Đạo

Cung Ma Kết. Crowley mô tả lá bài này như nguồn năng lượng sáng tạo ở dạng vật chất nhất của nó hoặc  trong sự thể hiện nam tính:

Trong Hoàng Đạo, Cung Ma Kết chiếm Thiên Đỉnh. Nó là dấu hiệu cao nhất; nó là con dê nhảy lên trên đỉnh trái đất với sự thèm khát. Thổ tinh, sao thống trị, ở cung Lặn, thần đầu dê của vùng sa mạc Ai Cập; ngài là thần của phương Nam. Cái tên dùng để chỉ tất cả các thần có những phụ âm đó, ví du như Shaitan, hoặc Satan.

Các vị thần

Các vị thần bị đày xuống như Schemchasai, Azazel, Helel, Samael, và ngôi sao mai bị lật đổ Lucifer; Thần Seth của Ai Cập (thường được thể hiện như một con rắn hoặc con lừa màu đỏ); Beelzebub (từ chữ Baal- Zebul, đọc trại đi thành Baal- Sebus, có nghĩa là Baal của Flies); Pan Pangenetor, và All-Begetter

Thần thoại

Sự phản bội của Judas (Mark 14.17-21), sự cám dỗ của Jesus trong cảnh hoang mạc (Like 4.1-13), hoặc lời nguyền của Chúa đối với Adam, Eve và con rắn.

Những địa điểm linh thiêng

Elbrus ở Kaukasus, ngọn núi thiêng của người Aryan (trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ Hai, lính bộ binh vùng núi Alps của SS trèo lên đỉnh núi Elbrus, đỉnh núi màu nhiệm của nhóm bạn Lucifer, và giương lá cờ chữ thập ngoặc theo nghi lễ của họ). Crowley ghi chú:

Điều cần thiết đối với chủ nghĩa tượng trưng là hoàn cảnh xung quanh – những nơi cằn cỗi, nhất là ở trên cao. Sự sùng kính ngọn núi cũng tương tự như vậy. Kinh Thánh Cổ đầy ắp các cuộc tấn công vào các vị vua làm lễ thờ cúng ở “những nơi cao”, mặc dù chính Zion cũng là một ngọn núi! Cảm giác này vẫn còn tồn tại cho đến những ngày lễ Phù Thủy được tổ chức trên một đỉnh hoang vắng, nhưng (nếu không có) thì ít ar là ở một điểm hoang dã, không bị ô nhiễm bởi sự ma mãnh của con người.

Ngày lễ thánh

Walpurgis

Nghi lễ

Lễ cầu xin Quỉ (Black mass). Trong bối cảnh lịch sử gần đây, những nghi lễ đáng ngờ những lễ khai tâm của các thầy tu đang chiến đấu của dòng Death’s Head SS hoặc các cảm tử quân trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

2. Những liên tưởng và nhận thức

Tranh ảnh

“Khu vườn của những ước mơ” (The Garden of Desires) của Hieronymus Bosch và “Sự rơi xuống địa ngục của những linh hồn tội lỗi” (Fall into Hell of the Damned” của P.P Rubens.

Văn chương

“Những cuốn sách thứ sáu và thứ bảy của Moses.

Âm nhạc

“Dream of  Wiches’ Sabbath” (Symphonie fantastique,” phần cuối) của Hector Berlioz. ».

Mùi hương

Thuốc lá đen. Biểu tượng: Hắc ín và lưu huỳnh.

Đá quí

Fire opal (ngọc mắt mèo), almandite. Baphomet, thần tượng bí ấnTemplars, mang hai viên đá almandite như hai con mắt của mình.

Chiêm tinh học

Những thừa kế của Thổ Tinh trong hình dạng được mô tả như những quyền lực đen tối (Diêm Vương Tinh trong nhà thứ 11 hoặc Thiên Vương Tinh trong nhà thứ 8).

Thuật giả kim

Mercurius, linh hồn tạo ra thế giới bị che giấu hoặc giam hãm trong vật chất..

Trích dẫn

“Chúa xuống trái đất là để sáng lập nên tôn giáo, và Quỉ đi theo ngay sau ngài để tổ chức nó.”  Vivekanada.

Đây là thời điểm nhật thực xảy ra trước trận động đất. Thân xác nhợt nhạt của vị thần đang hấp hối phát sáng như chất phốt pho trong bóng đêm, nhưng ngài sáng lên mà không soi rọi. Ngay cả những vì sao cũng đánh mất ánh sáng của chúng: bởi NGÀI đã thu hết về mình mọi thứ thuộc về ánh sáng.

Sự cô đơn bao quanh cây thánh giá, và trái đất dường như đã chết. Đấng Cứu Thế thốt lên giữa tiếng nấc hấp hối bên ngoài kia vùng hoang mạc: “Chúa tôi. Chúa tôi! Tại sao Người rời bỏ tôi!”

Tiếng gọi của ngài không được hồi đáp. Thiên nhiên không còn nhận ra giọng nói của ngài nữa, cũng như nó không còn nhận ra ánh sáng nữa.

Nhưng bên ngoài bóng tối một vị thần đối thủ đang đến. Ngự trên những đám mây đen, ngài bay về phía cây thánh giá.

Nó là Shiva, thần hủy diệt, nó là Priapus với biểu tượng khiêu dâm, với vẻ mặt nhăn nhó giễu cợt được gọi là tình yêu. Và tượng thần nói:

“Ngượi đang gọi ai? Chúng ta là những người duy nhất bị bỏ lại: chỉ ngươi và ta, đối thủ muôn đời, và không còn gì khác nữa. Ngươi gọi vị thần mà ngươi thu hút về phía mình. Trong sự phấn đấu vì thần thánh của chính ngươi, ngươi đã tạo ra một thế giới không có các vị thần; Ở đâu có một vị thần nào ngoài ngươi ra?

            Ngươi muốn triệt tiêu lòng căm ghét của ngươi, nhưng bằng cách giương cao thanh gươm chống lại nó, ngươi trở thành nô lệ của nó. Giờ đây sự sáng tạo của ngươi quay sang chống lại ngươi và đóng đinh ngươi vào cây thánh giá. Hãy nhìn đây, ta là sự sáng tạo của ngươi, là sản phẩm của chính lòng thù ghét của ngươi. Ngươi muốn tiêu diệt ta, nhưng ngươi lại ngốn ngấu ta.

            Trước kia khi ta hứa cho ngươi toàn bộ của cải của thế giới này, khi người bị đày xuống trước ta, ngươi khinh miệt chúng, ngươi đã ghét công trình của người mà giờ đây ngươi đang gọi, bởi ngươi từng muốn yêu quí ngài, ngươi đã phản lại với thái độ khinh khỉnh. Có câu: Ngươi phải thờ Chúa của ngươi và ngài là người duy nhất ngươi phải phụng sư.

            Giờ đây ai là chủ của ngươi. Nếu không phài là ta: bởi ở đây không có ai khác ngoài hai chúng ta.

            Ta cũng sẽ phải ra đi trong chốc lát, bởi ngươi đang hấp hối. Nhưng đó có phải là toàn bộ thành quả đáng tự hào của cuộc đời ngươi?

            Nhưng ngươi đã dạy: Hãy yêu thương kẻ thù của ngươi! –Giờ thì hãy yêu thương ta, kẻ thù cuối cùng và nguy hiểm nhất của ngươi.

            Chỉ vì tình yêu của ngươi không hoàn hảo mà ngươi đã tạo ra ta, khi ngươi thấy ta trong hình thù méo mó gớm ghiếc nhất đang ở trước mặt ngươi. Trước kia khi ở nơi sa mạc ta đã từng đẹp đẽ. Giờ đây một lần nữa ta ra lệnh cho người tôn thờ ta. Hãy yêu kính ta! Hãy hiểu rằng ta là vị thần của ngươi, là cha ngươi.”

            Lúc này Jesus ngẩng đầu lên, mắt ngài tập trung vào vẻ mặt khủng khiếp của kẻ thù. Và rồi, được chuyển biến bởi tình yêu vô bờ bến, ngài nói với ông ta:

            “Thưa Cha, con xin trao linh hồn con cho cha!”

            Và ánh sáng tràn ra từ thể xác thiêng liêng  lại bắt đầu sọi rọi trái đất. Mặt trời hiện ra và những đám mây đen, ngai vàng của vị thần đối thủ, tan vào không trung.

            Một tiếng sấm rền rung chuyển không gian, trái đất rung chuyển, bức màn của ngôi đền bị xé ra, và các lớp linh thiêng mở ra trước mắt của những tín đồ.

            Anh mắt đờ đẫn của đấng cứu thế bao bọc thiên nhiên đã được cứu rỗi. Và giọng nói dõng dạc của ngài tuyên bố:

            “Vậy là đã xong!”

                                                Erwin Reisner “The God and the Idol”

(từ: Vorn Ursinn der Geschlechter Herse & Becker trong Weiss Verlag Dreiieich 1968)

Bộ Bài Aleister Crowley Thoth Tarot – Aleister Crowley, Frieda Harris

Bảng tra cứu ý nghĩa 78 lá bài Thoth Tarot

Rate this post

(4.5★ | 1212 Đánh giá)
TÀI TRỢ

Bạn cũng có thể thích Thêm từ tác giả

Để lại một trả lời